Canh tác lúa phát thải thấp đạt lợi nhuận 55 triệu đồng/ha
Thứ Sáu 28/03/2025 , 18:30 (GMT+7)
Canh tác lúa phát thải thấp đạt lợi nhuận 55 triệu đồng/ha. Bàn giao thiết bị đào tạo nuôi trồng thủy sản do Nhật Bản tài trợ. Thả 160.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Giá cà phê giảm mạnh.
Hôm nay 28/3, tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp thúc đầy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL”.
Diễn đàn nhằm sơ kết dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu vùng ĐBSCL” trên diện tích 50ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (xã Nam Thái Sơn, Hòn Đất). Kết quả đánh giá mô hình này trong vụ đông xuân 2024-2025, với giống lúa ĐS1 đạt năng suất trung bình 10,3 tấn/ha (lúa tươi), tổng thu nhập đạt 82,2 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cho nhà nông lên đến 55,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 6,7 triệu đồng/ha. Khí phát thải nhà kính giảm trung bình 13.05 tấn CO2 tương đương/ha so với mô hình canh tác truyền thống.
Trước khi tham dự diễn đàn, các đại biểu tham quan đánh giá ruộng mô hình và xem các doanh nghiệp đối tác trình diễn thiết bị cơ giới và giải pháp canh tác lúa giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, gồm máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống, máy cuộn rơm đưa khỏi đồng ruộng, máy xới vùi rơm rạ kết hợp phun chế phẩm vi sinh phân hủy nhanh rơm rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng.
BÀN GIAO THIẾT BỊ ĐÀO TẠO NUÔI TRỒNG THỦY SẢN DO NHẬT BẢN TÀI TRỢ
Thực hiện: Đinh Mười – Hoàng Phong
Cũng trong ngày hôm nay, tại Hải Phòng, Đại sứ Nhật Bản, ngài Ito Naoki, đã bàn giao thiết bị đào tạo nuôi trồng thủy sản cho Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm. Đây là một nội dung trong khuôn khổ dự án “Cung cấp thiết bị cho việc đào tạo nuôi trồng thủy sản tại Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản” (nay là Trường Cao đẳng thủy sản và Công nghệ thực phẩm) do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ.
Ngài đại sứ Ito Naoki đánh giá dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, trang bị kiến thức và kỹ năng hiện đại cho sinh viên, góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, dự án sẽ là bước tiến cho hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai.
Đáp lời, ông Trịnh Quốc Tấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm đã cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản, các tổ chức, cá nhân đã đóng góp vào sự thành công của dự án này và cam kết sẽ sử dụng những thiết bị này một cách hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên, ngư dân và cộng đồng. Ông Tấn cho biết, các thiết bị đào tạo hiện đại vừa tiếp nhận sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên, giúp họ trang bị kỹ năng thực tế và trở thành lao động có tay nghề cao. Những thiết bị này cũng hỗ trợ ngư dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.
THẢ 160.000 CON GIỐNG TÁI TẠO NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Tiến Thành
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, cũng trong ngày hôm nay, tại khu vực hồ Yên Lập, TP. Hạ Long, Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh đã phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo đó, 160.000 con giống được thả ra hồ Yên Lập, gồm các loài như trắm cỏ, trắm đen, mè trắng, mè hoa, rô phi, chép…
Những năm gần đây, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Quảng Ninh đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân và góp phần duy trì nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Thả giống không chỉ giúp phục hồi nguồn lợi thủy sản mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển. Hiện các đơn vị đang đẩy mạnh việc thả giống đi đôi với tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi sang khai thác bền vững, từ bỏ các hình thức đánh bắt tận diệt.
GIÁ CÀ PHÊ GIẢM MẠNH
Hôm nay ngày 28/3, giá cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên bất ngờ giảm mạnh so với phiên giao dịch trước đó, mức giảm 2.000 đồng/kg ở tất cả các địa phương. Hiện giá thu mua trung bình ở mức 133.400 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk và Lắk Đắk Nông có mức 133.400 đồng/kg, cà phê tại Lâm Đồng có giá 132.400 đồng/kg, giá cà phê tại Gia Lai 133.300 đồng/kg.
Dự báo, trong ngắn hạn, giá cà phê trong nước có thể tiếp tục biến động giảm nhẹ, tùy thuộc vào dòng tiền đầu cơ trên sàn quốc tế và động thái bán ra của nông dân. Tuy nhiên, nếu thời tiết ở các vùng trồng lớn tiếp tục thuận lợi, sản lượng cà phê Robusta và Arabica sẽ được cải thiện, qua đó tạo sức ép giảm lên thị trường.
Về dài hạn, những biến đổi bất lợi của thời tiết tại các nước trồng cà phê trọng điểm, lạm phát toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ... vẫn là những yếu tố then chốt đẩy giá cà phê theo hướng dự báo khó lường.
GIÁ CÀ PHÊ NGÀY 28/3 TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TRỌNG ĐIỂM