Hà Nội: Tập trung sản xuất vụ đông để tăng thu nhập. Nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật. Giá cá lóc giảm, kéo dài gần 6 tháng. Chợ nông sản hữu cơ giữa lòng thành phố.
Hà Nội: Tập trung sản xuất vụ đông để tăng thu nhập
Thực hiện: Hùng Khang (sản xuất mới)
Thời điểm này, nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tích cực sản xuất, chăm bón rau màu; động nguồn cung nông sản, thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2025. Tất cả đang phấn đấu có một vụ sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, bù đắp cho những thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ghi nhận tại khu vực đất bãi ven sông Hồng thuộc địa bàn xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, sau gần 1 tháng tiến hành trồng cây vụ đông, đến nay diện tích hoa màu của người dân đã bắt đầu xanh tốt. Nhìn chung, các loại đậu đỗ của bà con đều đang phát triển thuận lợi, ít sâu bệnh. Chính quyền địa phương cho biết, đối với cây sản xuất vụ đông trung bình mỗi sào trừ các chi phí người dân có thể thu về từ 3 đến 4 triệu đồng, có thêm thụ nhập vào thời điểm cuối năm. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông, phấn đấu đạt 32.000 đến 33.000 ha, tăng 3.000 đến 4.000ha so với kế hoạch trước. Trước đó, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố năm 2024. Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách cấp thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện. Tổng kinh phí hơn 213 tỷ đồng.
Nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật
Thực hiện: Thanh Thủy ( sản xuất mới)
Ngày 22/10, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức sự kiện “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam- Hành trình sắp cán đích” tại Hà Nội. Kể từ năm 2005, sau khi phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật trên cả nước, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới thực hiện chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng này. Chiến dịch có sự tham gia của ENV, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Tổ chức Four Paws và Free The Bears, đồng hành trong công tác cứu hộ gấu, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm về gấu, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và kêu gọi các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ. Đến hết tháng 8/2024, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều tổ chức, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm 95%, còn 192 cá thể tại 60 trại gấu. Hiện cả nước có 46/63 tỉnh thành không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật.
Giá cá lóc giảm kéo dài gần 6 tháng
Biên tập: Quỳnh Anh (khai thác)
Mùa vụ nuôi cá lóc năm nay, hầu hết nông dân trong tỉnh Trà Vinh đều không thu được lợi nhuận do giá giảm mạnh kéo dài trong gần 6 tháng qua. Cụ thể, từ đầu tháng 4 năm nay, giá cá lóc bắt đầu giảm mạnh từ mức bình quân 42.000 đồng/kg xuống còn 36.000 - 38.000 đồng/kg và kéo dài cho đến nay. Với giá như vậy, người nuôi bị lỗ bình quân 2.000 - 3.000 đồng/kg cá lóc thương phẩm. Cùng với đó, do cá lóc thương phẩm chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, thị trường bấp bênh. Hiện nay, nông dân nuôi cá lóc đã tái vụ nuôi thứ 2 hoặc thứ 3 trong năm với hy vọng cung ứng cho nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán giá cá thương phẩm sẽ tăng.
Chợ nông nghiệp hữu cơ giữa lòng thành phố
Thực hiện: Quốc Toản ( Sản xuất mới)
Tại thành phố Thanh Hóa, mỗi tháng 01 lần, vào ngày 13 hàng tháng, “ Chợ sớm bình yên” - phiên chợ được thành lập từ ý tưởng của một số bạn trẻ với mong muốn tạo không gian giao lưu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ do chính họ làm ra đã và đang được tổ chức đều đặn. Đến với "Chợ sớm bình yên", khách hàng có thể thoải mái lựa chọn các loại rau, củ, quả theo mùa; các loại bánh, hạt, trứng gia cầm, tinh dầu, xà phòng… an toàn với sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Điều kiện bắt buộc đối với các chủ gian hàng tại đây là chỉ được bán những sản phẩm do chính mình sản xuất ra. Các chủ cơ sở sản xuất phải có mặt tại chợ để bán hàng và lắng nghe phản hồi từ khách hàng. Từ đó, họ có thêm kinh nghiệm, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.