Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, cần sự chung tay của các quốc gia trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh.
Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới” do Việt Nam đang cai tổ chức với 9 phiên họp chính thức và 10 phiên họp kỹ thuật bên lề diễn ra từ hôm nay đến ngày 27/4.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng các quốc gia trong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc năm 2020-2021, nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng, và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến chỉ đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2065, chậm hơn 3 thập kỷ rưỡi so với kế hoạch đã đề ra.
Phó thủ tướng TRẦN LƯU QUANG
Vấn đề đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và bây giờ chứ không phải lúc nào khác phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ maisau. Việt Nam khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam và hợp tác 3 bên về nông nghiệp.
Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Và để làm được điều này thì phải có sự chung tay của tất cả các nước.
Ông QUDONGYU
Tổng Giám đốc, Tổ chức Nông lương thực Liên hợp quốc (FAO)
Hội nghị là cơ hội để giải quyết những thách thức đa khía cạnh, mất cân bằng thực phẩm, mất dinh dưỡng, tăng khả năng chống chịu. FAO cam kết cùng với các bên phát triển sản xuất tốt hơn, môi trường tốt hơn, không bỏ ai lại phía sau.
Hội nghị lần thứ 4 sẽ xem xét những khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và đề xuất các giải pháp theo 4 nhóm vấn đề gồm: Mô hình, kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm; các mô hình sản xuất, tiêu thụ và các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.