MC dẫn trường quay | 15s | - Xin chào quý vị và các bạn! - Thưa quý vị - Nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, để thành công với mô hình này, bà con nông dân cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng những yếu tố quan trọng nhất. - Mời quý vị và các bạn theo dõi ghi nhận do các phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam khu vực Đông Nam bộ thực hiện. |
Hình ảnh | 30s | Ông Lê Công Thôn, nông dân ở tổ 34, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, là người đã có thâm niên gắn bó với nghề trồng rau. Gia đình ông trồng nhiều loại rau quả, trong đó, sản phẩm truyền thống và chủ lực là cây cà chua. Trước đây, ông Thôn trồng cà chua theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng không ổn định, qua đó, làm hạn chế về hiệu quả kinh tế. Khi các mô hình sản xuất rau quả công nghệ cao xuất hiện trên địa bàn, ông Thôn đã tìm hiểu kỹ càng và quyết định đầu tư nhà màng để trồng cà chua công nghệ cao. Đây là một quyết định sáng suốt vì đã làm gia tăng đáng kể hiệu quả kinh tế từ sản xuất cà chua cho gia đình ông Thông. |
Ông LÊ CÔNG THÔN Tổ 34, Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng | 30s | Cây cà chua trồng theo công nghệ cao có sức khỏe tốt hơn, chi phí sản xuất giảm đáng kể, bao gồm cả chi phí thuốc bảo vệ thực vật và lao động, giảm khoảng một phần ba so với trước đây. Hiện tại, diện tích trồng cà chua của gia đình tôi là 4.000 mét vuông, với năng suất đạt khoảng 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Mặc dù không tăng vụ so với trồng truyền thống, nhưng năng suất và chất lượng hàng hóa cao hơn nhiều |
Hình ảnh | 30s | Chuyển sang sản xuất cà chua cà chua công nghệ cao, ông Thôn nhận thấy công nghệ cao không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, giúp phòng trừ dịch bệnh một cách hiệu quả, mà còn giúp giảm đáng kể công lao động và các chi phí khác, điển hình như chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật. Việc giảm mạnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ làm giảm đáng kể giá thành sản xuất mà còn giúp nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho trái cà chua do gia đình ông sản xuất. Nhở vậy, cà chua của trang trại nhà ông Thôn hiện đang được thu mua bởi công ty Phong Thúy và tiêu thụ tại các siêu thị. |
Ông Lê Công Thôn Tổ 34, Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng | 20s | Một trong những yếu tố quan trọng là hệ thống tưới nước và bón phân tự động, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm tới 90%, nhờ vào các biện pháp như sử dụng đèn lưu huỳnh để tiêu diệt nấm và côn trùng, như bướm và bọ trĩ. |
Hình ảnh | 30s | Ngoài gia đình ông Lê Công Thôn, trong thời gian qua, đã có nhiều nông dân trồng rau củ ở thị trấn Liên Nghĩa và các xã thuộc huyện Đức Trọng chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao trong nhà màng. Một vấn đề đặt ra với những nông dân đầu tư làm công nghệ cao là chi phí đầu tư lớn, bởi ngoài nhà màng, nông dân còn phải đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, cùng nhiều trang thiết bị khác. Tổng chi phí cho mỗi nhà màng khá cao, từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng. Chi phí đầu tư cao, nhưng nếu nắm vững kỹ thuật và áp dụng đúng quy trình sản xuất công nghệ cao trong nhà màng, sẽ đem lại hiệu quả lớn cho nông dân về phòng trừ dịch hại, năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Ông NGUYỄN THẾ VINH Thôn Lạc Lâm, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng | 35s | Chi phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng nhà màng, hệ thống tưới tiêu và các thiết bị cần thiết là khá cao. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, mức độ ổn định mà nó mang lại là rất khả quan. Về năng suất và khả năng phòng trừ dịch bệnh, trồng trong nhà màng giúp giảm thiểu sự tác động của các yếu tố bên ngoài, do đó bệnh tật ít xảy ra hơn, và năng suất cũng cao hơn. |
Hình ảnh | 20s | Với nông nghiệp công nghệ cao, trên 1.000 mét vuông, ông Vinh có thể trồng khoảng 2500 cây, mỗi cây cho năng suất từ 4 đến 5 kg. Tính ra năng suất dưa leo công nghệ cao trên diện tích 1.000 mét vuông là khoảng 12 tấn. Trước đây, khi trồng dưa leo ngoài trời, thu nhập của ông Vinh khoảng 30 triệu đồng trên 1.000 mét vuông cho một vụ. Nhưng khi trồng dưa leo công nghệ cao, thu nhập có thể tăng lên từ 100 triệu đến 150 triệu đồng cho mỗi vụ. |
Hình ảnh | 30s | Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang dần lan tỏa ở Lâm Đồng và nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, không phải ai làm nông nghiệp công nghệ cao cũng thành công, thậm chí đã có không ít trường hợp thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của một số trang trại sản xuất công nghệ cao, trong đó, có 2 nguyên nhân chính là khả năng tài chính không tốt và còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật. Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao những mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với các trang trại, hợp tác xã có năng lực là rất cần thiết. |
Thạc sĩ NGÔ XUÂN CHINH Giám đốc TT Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ KTNN, Viện KHKTNN Miền Nam | 35s | Để đầu tư vào công nghệ cao, có hai yếu tố quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất, các hộ nông dân cần có nguồn tài chính ổn định. Thứ hai, nông dân phải có trình độ khoa học kỹ thuật để có thể áp dụng công nghệ một cách hiệu quả. Nếu thiếu hai yếu tố này, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ gặp nhiều khó khăn. Mô hình mà chúng tôi đang xây dựng hiện nay đặc biệt phù hợp với các trang trại và hợp tác xã có điều kiện kinh tế tốt. Chúng tôi đã đưa ra những giống cây mới, có năng suất cao, chất lượng tốt và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài. |
MC dẫn trường quay | 15s | - Thưa quý vị -Nông nghiệp công nghệ cao nếu được đầu tư và tổ chức sản xuất một cách bài bản, gắn sản xuất với tiêu thụ, sẽ làm gia tăng mạnh giá trị sản xuất diện tích đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo ra các nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. - Phóng sự do Báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện đến đây cũng xin phép được khép lại. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại. |