Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm hiện nay được coi là một giải pháp thông minh, mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Công nghệ sinh học: giải pháp thông minh cho ngành tôm ĐBSCL
Thưa quý vị, thực tế thời gian qua các hộ nuôi tôm có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh trong ao nuôi, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đất và nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm, khiến tôm chậm lớn hoặc chết, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến chính sức khỏe của bà con nuôi tôm.
Thực hiện theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhiều mô hình ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học, chế phẩm vi sinh vào ao nuôi vừa giúp cải tạo môi trường ao nuôi, vừa gia tăng năng suất chất lượng tôm. Sau đây, mời quý vị cùng theo dõi ghi nhận thực tế của phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam về hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL.
Đây là một trong những nông dân nuôi tôm thâm canh ở tỉnh Bến Tre thành công đưa chế phẩm sinh học vào xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi, giúp tôm phát triển tốt, cho năng suất cao.
Tại tỉnh Bến Tre, nhờ được tiếp cận các giải pháp sinh học, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu từ con tôm, một Câu lạc bộ nông dân tỷ phú cũng đã ra đời, trở thành điển hình cho mô hình kinh tế đầy tiềm năng này.
Ông TRẦN VĂN VŨ – Xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
“Trước kia mình chưa sử dụng sinh học Bồ Đề thì ở khu vực này tôi nuôi khoảng 1.000 mét vuông từ 1,5 – 2 tấn là tối đa, mà size từ 6-7 chục con thôi. Còn từ khi tôi áp dụng sinh học Bồ Đề tới bây giờ thì tôi thấy xác xuất thành công vượt trội, ví dụ bây giờ 1.000 mét vuông, sản lượng tôi thu từ 4-5 tấn và cái size đầu con nói chung nó đạt tuyệt vời rồi từ 30 con đổ lên không. Người nông dân xài sản phẩm sinh học này sẽ mang lợi nhuận về thêm từ 15-20 triệu/tấn tôm”.
Ông LAO VĂN TRƯỜNG – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bến Tre
“Khi qua ứng dụng tôm công nghệ cao thực hiện áp dụng các chế phẩm sinh học của các công ty như Bồ Đề group, CP thì nói chung rất thành công. Xử lý ao nuôi, thức ăn các thứ chăm sóc tôm lớn nhanh, Bến Tre hiện nay cũng có những vuông tôm, cũng có nhưng cá nhân nuôi tôm đạt chất lượng rất cao. Các chế phẩm được ứng dụng với môi trường hiện nay ở Bến Tre rất hiệu quả, thành công. Từ đó giúp cho nông dân ở 3 huyện biển phát triển rất tốt.”
Bên cạnh đó, thời gian qua, giúp ngành nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng sinh học, các mô hình chuyển dịch sản xuất từ sản xuất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa cũng được tổ chức tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang… giúp nông dân sản xuất chủ động, thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế.