29 con trâu chết do bị tụ huyết trùng cấp tính. Điều tiết nước chống rét cho lúa xuân. Cà Mau vào vụ thu hoạch tôm nuôi trong ruộng lúa. Đặc sắc lễ hội Gầu Tào của người Mông.
Sáng 6/2, Trạm Chăn nuôi và thú y liên huyện Triệu Phong - Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) nhận là được thông tin về việc tại khu vực rừng thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong có 20 con trâu nằm chết rải rác. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, thời gian trâu chết khoảng ngày 30/1 đến nay với các biểu hiện: Chướng hơi dạ cỏ, lồi hậu môn, xuất huyết mũi, miệng, hạch hầu sưng, dòi phát triển rất mạnh, mùi hôi thối nồng nặc… Với những triệu chứng trên, ngành thú y Quảng Trị xác định trâu bị bệnh tụ huyết trùng thể cấp tính.
Sự việc cũng xảy ra tại huyện Đakrông vào ngày hôm qua 7/2 khi lực lượng chức năng huyện ghi nhận thêm 9 con trâu bị chết với cùng các biểu hiện trên. Được biết, đây là số trâu trong tổng đàn 52 con của 8 hộ dân xã Triệu Nguyên và Ba Lòng (huyện Đakrông).
Bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn gây ra và tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Bệnh dễ dàng lây lan qua tiếp xúc qua đường thức ăn, nước uống giữa con khoẻ và con bệnh. Hiện nay, người dân, chính quyền địa phương và ngành thú y Quảng Trị đang triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh.
ĐIỀU TIẾT NƯỚC CHỐNG RÉT CHO LÚA XUÂN
Thanh Nga sx (Nguyễn Thị Nga)
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh, thời điểm này hơn 59.000 ha lúa xuân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên thời tiết mưa, rét đậm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng. Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần chủ động xuống đồng điều tiết nước vào chân ruộng từ 3-5 cm để giữ ấm cho lúa.
Ngoài ra, tại một số huyện gieo cấy sớm như Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Kỳ Anh cần tổ chức tỉa dặm đảm bảo mật độ phù hợp và chuẩn bị bón thúc đợt đầu giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe. Đồng thời theo dõi một số loài sinh vật, sâu bệnh gây hại như chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ, ruồi đục nõn hại lúa để phòng trừ kịp thời.
CÀ MAU VÀO VỤ THU HOẠCH TÔM NUÔI TRONG RUỘNG LÚA
Văn Vũ
Thời điểm này, nhiều hộ nông dân tại tỉnh Cà Mau đang bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa. Năm nay, tôm được mùa được giá nên nông dân rất phấn khởi.
Hiện tôm càng được thương lái thu mua với giá từ 120 – 140 nghìn đồng/kg, cao hơn 30 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ. với 1ha diện tích thả tôm càng xanh xen canh vụ lúa, sau hơn 5 tháng thả nuôi có thể mang lại thu nhập hơn 50 triệu đồng. Được biết, toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 37.000 héc ta lúa- tôm, sản lượng tôm ước đạt 252.000 tấn.
ĐẶC SẮC LỄ HỘI GẦU TÀO CỦA NGƯỜI H’MÔNG
An Khang sản xuất
Cứ vào ngày 11 tháng giêng, đồng bào H'Mông xã Hoàng Liên, thị xã Sapa lại xúng xính váy hoa đi trẩy hội Gầu Tào.
Lễ hội Gầu Tào là dịp để đồng bào người H’Mông xã Hoàng Liên cầu cảm tạ thần linh, xin trời đất ban cho con cái, sức khỏe, may mắn để làm ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Hội Gầu Tào có 2 phần là phần lễ và hội, sau phần lễ sẽ diễn ra các trò chơi truyền thống như: lảy pao, đánh cầu lông gà, thi đấu các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co…
Đây là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc H’Mông, đồng thời thúc đẩy du lịch địa phương.
Ông Đỗ Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên cho biết: "Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo sân chơi lành mạnh, vui tươi cho người dân địa phương, đồng thời hấp dẫn khách du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc”.