Đặc sắc mâm cỗ Việt cổ truyền trong căn nhà 130 năm tuổi. Gà tiên ngậm hoa đắt hàng ngày 23 tháng Chạp. Rắn thần Naga - linh vật năm Ất Tỵ của Bình Định. Lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập từ vụ hoa Tết.
ĐẶC SẮC MÂM CỖ VIỆT CỔ TRUYỀN TRONG CĂN NHÀ 130 NĂM TUỔI
Thanh Thuỷ
Tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, căn nhà hơn 130 năm tuổi của nghệ nhân Nguyễn Thị Lâm là một trong những nơi lưu giữ nét đẹp ẩm thực truyền thống của vùng đất Kinh Kỳ xưa. Được biết đến là mâm cỗ tiến vua, Cỗ Bát Tràng vừa thể hiện tinh thần làng quê Bắc Bộ, vừa là di sản văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc Việt Nam.
Không chỉ mang đậm hương vị quê hương, mâm cỗ Bát Tràng còn thể hiện sự viên mãn, sung túc qua cách bày trí 4 bát, 6 đĩa hay 6 bát, 8 đĩa. Những món ăn như su hào xào mực, canh măng mực, canh bóng bì, chim câu hầm hạt sen được chế biến tỉ mỉ từ nguyên liệu địa phương và bày trên những chiếc bát đĩa gốm sứ tinh xảo, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa ẩm thực và nghệ thuật.
Trong không gian nhà cổ với mái ngói rêu phong, sân gạch đỏ au và cột gỗ lim mang đậm dấu ấn Tết xưa, đây là nơi lý tưởng để du khách thưởng thức mâm cỗ cổ truyền Việt Nam.
GÀ TIÊN NGẬM HOA ĐẮT HÀNG NGÀY 23 THÁNG CHẠP
An khang sản xuất
Tại chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), nhiều ngày nay, người dân Thủ đô đã có mặt ngay từ sáng sớm để sắm sửa, chuẩn bị cho lễ cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp).
Bà Lan chủ một cửa hàng chia sẻ: “Bắt đầu từ ngày 22 và ngày 23 tháng Chạp hay 30 Tết, mỗi ngày cửa hàng bà bán được vài trăm đơn gà luộc, chưa kể các món khác”. Các món ăn cho mâm lễ như gà luộc ngậm hoa hồng, xôi, nem hải sản, chim quay... được nhiều người dân lựa chọn.
Gà trống được luộc vàng, mỏ ngậm hoa hồng đỏ được trình bày bắt mắt là sản phẩm đặc trưng của khu chợ này. Đây cũng là món được khách đặt mua nhiều nhất. Được biết, mỗi con gà làm lễ có trọng lượng trên dưới 2 kg, giá bán 200.000 đồng mỗi kg, cao hơn mức 170.000-180.000 đồng của các chợ dân sinh khác.
RẮN THẦN NAGA - LINH VẬT NĂM ẤT TỴ CỦA BÌNH ĐỊNH
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Tối 21 tháng 1, nhằm ngày 22 tháng chạp, tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ khánh thành cụm Biểu tượng linh vật năm Ất Tỵ 2025. Biểu tượng linh vật đặt tại Quảng trường Trung tâm Thành phố Quy Nhơn. Chủ đề biểu tượng linh vật “vườn hoa đất Võ” lấy hình tượng cụm tháp Dương Long, Di sản văn hóa vật thể đặc biệt cấp Quốc gia làm phông nền chủ đạo với chiều cao 7,5m. Biểu tượng linh vật năm Ất Tỵ được lấy cảm hứng từ tạo hình rắn thần Naga 5 đầu có chiều cao 5m, được mô phỏng sinh động, mang nét đặc sắc của văn hóa Chămpa Bình Định được đặt ở trung tâm cụm tháp. Chung quanh cụm linh vật còn được sử dụng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và phun hơi nước để tạo khung cảnh huyền bí. Ngoài ra, cụm biểu tượng linh vật phụ, mặt sau hướng ra phía biển được tạo hình cách điệu hiện đại theo xu hướng chuyển đổi số và công nghệ của tương lai… Bên cạnh đó là khu vực vườn hoa trưng bày linh vật với quy mô chiều dài khoảng 120m, rộng 40m, được bố trí hơn 40.000 chậu hoa với hơn 30 chủng loại hoa đa dạng về màu sắc để phục vụ nhân dân và du khách trong dịp xuân Ất Tỵ 2025.
LAO ĐỘNG NHÀN RỖI CÓ THÊM THU NHẬP TỪ VỤ HOA TẾT
Lê Hoàng Vũ
Những ngày này, làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang vào thời điểm tất bật nhất trong năm để cung ứng cho thị trường Tết hàng triệu giỏ hoa, kiểng các loại. Đây cũng là thời điểm giúp hàng trăm lao động tại địa phương có thêm thu nhập.
Trên những cánh đồng hoa, thời điểm này, các lao động nữ sẽ đảm nhiệm các công việc nhẹ đòi hỏi sự tỉ mỉ như cắm cây, thay chậu, gói hoa với mức tiền công từ 200.000 đồng đến 220.000 đồng/ ngày. Đối với các công việc nặng nhọc hơn như: đẩy xe vận chuyển hoa, chất hoa lên xe thì dành cho các lao động nam với tiền công 300.000 đồng/ ngày. Với mức thu nhập này đã giúp hàng trăm người có thêm thu nhập để mua sắm, trang trải cho gia đình trong những ngày Tết đến xuân về.
Để đảm bảo tiến độ làm việc tại các vườn hoa, các lao động thời vụ thường tập hợp lại thành những nhóm nhận các công việc mà chủ vườn thuê mướn, xong công việc ở vườn này họ lại chuyển sang làm cho vườn khác. Theo nhiều chủ vườn, để có đủ nguồn lao động thời vụ, người trồng hoa phải chủ động đặt lịch trước do thời điểm này đang vào vụ hoa Tết nhân công khá khan hiếm.