Xâm nhập mặn tại ĐBSCL duy trì ở mức cao. Hàng vạn người đi 'mua may, bán rủi'. Cà Mau xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Lượng nhập khẩu hầu hết các loại thịt đều tăng.
XÂM NHẬP MẶN TẠI ĐBSCL DUY TRÌ Ở MỨC CAO
Quỳnh Anh
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, dòng chảy về ĐBSCL sẽ giảm nhanh, làm mặn xuất hiện sớm trên các cửa sông. Cụ thể, trong tháng 1/2025, mặn đã vào sâu trên các cửa sông và sẽ đạt đỉnh từ tháng 2 - 4/2025. Trong tuần qua, mặn tăng cao và tiếp tục duy trì ở mức cao những ngày đầu năm mới. Cơ quan chuyên môn nhận định, ở vùng ven biển ĐBSCL, gồm các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, mặn đã ảnh hưởng, nguồn nước trữ giảm nhanh. Do đó, cơ hội lấy nước bổ sung hiếm. Những ngày cuối tuần, khi mặn được dự báo sẽ giảm, các địa phương cần tranh thủ cơ hội lấy nước ngay khi có thể. Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất trong các tháng mùa khô, cần tăng cường giám sát mặn, tranh thủ tích nước, bơm gạn ngọt khi triều rút và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên.
Từ chiều và tối ngày 4/2 (tức mùng 7 tháng Giêng âm lịch), tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, hàng vạn du khách đã đến chợ Viềng với mong muốn được “mua may, bán rủi”.
Một năm chợ Viềng chỉ mở hai ngày vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng. Tại đây, du khách có thể tìm thấy các loại cây cảnh nghệ thuật, hoa, nông cụ truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, đồ gỗ, đồ đồng, gốm sứ…
Không chỉ là nơi giao lưu buôn bán, chợ Viềng còn mang đậm nét văn hóa dân gian. Người dân quan niệm, mua bán ở chợ Viềng đầu năm không nhằm mục đích lãi lời mà chủ yếu để "bán đi cái rủi", "mua về sự may mắn".
CÀ MAU XUẤT HIỆN DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI
Văn Vũ
Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1 hộ chăn nuôi ở khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời với tổng đàn heo trên 33 con, hiện 19 con đã được lực lượng thú y huyện và ngành chức năng địa phương tiêu hủy.
Chi cục Chăn nuôi - Thú y đang phối hợp với ngành chức năng địa phương theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; thực hiện tốt các nội dung phòng, chống và bao vây, khống chế dịch bệnh; tuyên truyền người dân không vứt xác heo chết ra môi trường, không bán chạy heo bị nhiễm bệnh; các đơn vị liên quan nắm chặt số lượng đàn heo, kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch mới phát sinh đúng quy định, không để lây lan ra diện rộng.
LƯỢNG NHẬP KHẨU HẦU HẾT CÁC LOẠI THỊT ĐỀU TĂNG
Quỳnh Anh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 876,67 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,78 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2023.
Trong năm 2024, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các chủng loại thịt gồm: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, lượng nhập khẩu các chủng loại đều tăng, trừ nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2023.