Những giống cà phê tái canh có thể đạt năng suất cao từ 4,2 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu cà phê trên thị trường thế giới.
Đắk Lắk hiện có 212.106 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê được trồng trên 20 năm tuổi tại Đắk Lắk chiếm đến 23,5% diện tích, từ 15 - 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích và 92,79% là các giống thực sinh cũ, chất lượng kém, không thể thích ứng với những diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Huyện Krông Búk là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của Đắk Lắk. Cà phê tại địa phương này đã được trồng hàng chục năm trước do đó năng suất giảm, nhiều sâu bệnh. Thời gian vừa qua nhiều hộ dân tại Đắk Lắk đã chủ động tái canh cà phê để cải thiện năng suất.
Phỏng vấn: Chị Nay H’Kriếp, Xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk
Gia đình được bố mẹ cho hơn 1 ha cà nhưng sản lượng không được tốt. Nên năm ngoái quyết định nhổ lên trồng lại. Sau 16 tháng trồng thì đến nay đã bắt đầu cho thu bói.
Hiện nay ngoài việc tái canh theo cách trồng mới nhiều hộ dân tái canh theo cách ghép cành. Phương pháp tái canh này giúp đẩy nhanh quá trình thu hoạch từ đó tiếp kiệm được chi phí đầu tư. Sau một năm ghép thì bắt đầu cho thu hoạch.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Bình, Thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk
Cách đây 5 năm tôi phân vân không biết tái canh bằng cách trồng cây con hay gốc ghép. Sau khi đi tham quan mô hình thì gia đình tiến hành trồng gốc ghép. Khi ghép 1 năm sau có thể cho thu hoạch dù lượng trái không nhiều nhưng đến nay đã cho thu 3 mùa.
Tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) lâu nay thực hiện đề án tái canh của UBND tỉnh Đắk Lắk, chính quyền địa phương đã thực hiện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Đến nay, xã Cư Pơng đã tái canh hàng trăm ha cà phê già cỗi được trồng từ hơn 20 năm trước. Đến nay các diện tích cà phê tái canh bước đầu phát triển tốt, cho năng suất cao. Việc này giúp nâng cao thu nhập, đưa cuộc sống người trồng cà phê tốt hơn.
Phỏng vấn: Ông Trần Ngọc Kha, Cán bộ khuyến nông xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk
Xã có gần 5 nghìn ha cà phê, những năm qua chính quyền địa phương tuyên truyền bà con chuyển đổi cây trồng già cỗi. Hiện nay toàn xã tái canh được trên 350 ha cà phê. Việc cà phê già cỗi năng suất kém, bà con tái canh giống mới đã cho năng suất rất cao, có những hộ đạt từ 3,5 đến 4 tấn/ha.
Trong 2 giai đoạn tái canh, Đắk Lắk đã kiến thiết được hàng nghìn ha cà phê già cỗi. Những giống cà phê tái canh là những dòng cà phê mới đạt năng suất cao từ 4,2 - 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu cà phê trên thị trường thế giới.
Việc tái canh bước đầu được đánh giá thành công, có thể giúp ngành hàng cà phê khẳng định vị thế và đóng góp lớn vào xuất khẩu.