| Hotline: 0983.970.780

Đóng góp lớn của WASI cho ngành cà phê

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

Thứ Sáu 13/09/2024 , 08:00 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm mô hình thí nghiệm sản xuất giống cà phê của WASI. Ảnh: Quang Yên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm mô hình thí nghiệm sản xuất giống cà phê của WASI. Ảnh: Quang Yên.

Giống cây trồng là một trong những giải pháp kỹ thuật rất quan trọng trong ngành nông nghiệp. Đối với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, sầu riêng, mắc ca…, việc chọn giống để canh tác quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng sau này. Để kiểm chứng được chất lượng của giống cây công nghiệp phải mất từ 4 - 5 năm, do đó vấn đề chọn giống ban đầu rất quan trọng.

Là đơn vị hàng đầu nghiên cứu giống cây công nghiệp dài ngày của nước ta, thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã nghiên cứu và chọn tạo ra những giống cây trồng có năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là phù hợp với nhu cầu và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, trong đó nổi bật là giống cà phê.

Theo TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây cà phê được Viện nghiên cứu đến nay đã trên 40 năm, từ giống cây trồng đến quy trình canh tác, chế biến, bảo quản, quản trị hệ thống cây trồng. Trong đó, thành công nhất của Viện là nghiên cứu giống cà phê.

WASI đã có những đóng góp lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Ảnh: M.P.

WASI đã có những đóng góp lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Ảnh: M.P.

"Hiện tại Viện đã có 14 giống cà phê vối (Robusta) gồm TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, TR14, TR15, TRS1, cà phê dây, xanh lùn và và 6 giống cà phê chè (Arabica) gồm TN1, TN2, TN6, TN7, TN9, THA1 đã được giới thiệu và đưa vào sản xuất. 

Những giống cà phê này có đặc tính tiêu biểu là năng suất cao, chất lượng hạt tốt, khả năng chống chịu tốt với những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh hại…”, TS Phan Việt Hà cho hay.

Đến nay, các giống cà phê được WASI chọn tạo từ trước năm 2011 vẫn được nông dân tin dùng và sử dụng khá nhiều như TR4, TR9, TR11.

Đây là những giống được chọn lọc trước, có đặc tính nổi trội là năng suất cao, kích thước hạt khá lớn, mỗi giống có những ưu điểm riêng, trong số đó giống TR4 có khối lượng nhân trên 18gram, rất được bà con nông dân ưa chuộng do năng suất cao, khả năng thích nghi tốt tại vùng Tây Nguyên và hầu hết diện tích tái canh thời gian qua đều sử dụng giống này.

Bên cạnh đó, các giống cà phê nêu trên được nhân giống vô tính nên độ đồng nhất cao, vườn cây khá đồng đều và năng suất cao.

Năm 2015, WASI lai tạo thành công giống cà phê mới TRS1, được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức. TRS1 là giống cà phê vối lai và hiện là giống phổ biến nhất phục vụ tái canh. Đây là giống có những đặc tính nổi trội, được lai tạo tổng hợp từ 4 dòng vô tính tốt là TR4, TR9, TR11, TR12.

Giống cà phê vối lai TRS1 hiện là giống phổ biến nhất phục vụ tái canh. Ảnh: MP.

Giống cà phê vối lai TRS1 hiện là giống phổ biến nhất phục vụ tái canh. Ảnh: MP.

Giống cà phê vối lai TRS1 đã được trao giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.

Theo Thạc sỹ Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng bộ môn Cây công nghiệp thuộc (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) - tác giả giống cà phê TRS1, việc nghiên cứu khả năng phối hợp các dòng vô tính để tạo ra con lai F1 như TRS1 là một bước đột phá. Giống cà phê vối lai TRS1 có đặc tính nhân giống bằng hạt nên giảm được chi phí sản xuất giống, năng suất trung bình 4 - 5 tấn cà phê nhân/ha, khả năng thích ứng rộng và đặc biệt tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh gỉ sắt rất thấp.

“Giống cà phê vối lai TRS1 có năng suất cao, kích thước hạt cũng như các tính trạng nông học khác tốt hơn hẳn giống sản xuất đại trà (giống cũ trồng bằng hạt) tại các vùng sản xuất cà phê ở Tây Nguyên. Giống cà phê vối lai TRS1 có thể đưa vào sản xuất ổn định ở tất cả các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp với canh tác cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên”, Thạc sỹ Đinh Thị Tiếu Oanh thông tin.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.