Sau hơn 40 năm nghiên cứu về cây cà phê, đến nay Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI đã có 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè đưa vào sản xuất.
Những giống cà phê chất lượng cao Viện WASI được giới thiệu đưa vào sản xuất
Cây cà phê được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu đến nay đã trên 40 năm, từ giống cây trồng đến quy trình canh tác, chế biến, bảo quản, quản trị hệ thống cây trồng. Trong đó, một trong những thành công nhất của Viện đó là nghiên cứu giống cà phê.
Hiện tại Viện đã có 14 giống cà phê vối -Robusta và 6 giống cà phê chè - Arabica được giới thiệu và đưa vào sản xuất. Những giống cà phê này có đặc tính tiêu biểu là năng suất cao, chất lượng hạt tốt, khả năng chống chịu với những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh hại…
Phỏng vấn Ông Lê Văn Hiền, thôn 10, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (cắt chỗ ông Hiền nói giống TR10 không đúng vì không có giống TR10)
Tôi thì có trồng 1ha cà phê, hồi trước sử dụng giống cũ cho nên năng suất thấp và kháng bệnh không được tốt đạt 2-2,5 tấn/ha. Sau này, 2010 tôi cải tạo và tái canh lại và trồng giống mới do Viện nghiên cứu ra có những giống TR4, TR9, TR11, TR12 cho nên có cải thiện hơn và năng suất tốt hơn từ 4-4,5 tấn/ha, kích thước nhân lớn hơn, kháng được bệnh rỉ sắt và chịu hạn tốt hơn những giống cũ hồi xưa.
Đến nay, các giống cà phê được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chọn tạo từ trước năm 2011 vẫn được nông dân tin dùng và sử dụng khá nhiều như TR4, TR9, TR11.
Năm 2015 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lai tạo thành công giống cà phê mới TRS1, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống chính thức. TRS1 là giống cà phê vối lai và hiện là giống phổ biến nhất phục vụ tái canh.
Giống TRS1 đã được trao giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.
Theo Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc nghiên cứu khả năng phối hợp chung các dòng vô tính để tạo ra con lai F1 như TRS1 là một bước đột phá. Giống cà phê vối lai TRS1 có đặc tính nhân giống bằng hạt nên giảm chi phí sản xuất giống; năng suất trung bình 4-5 tấn cà phê nhân/ha, khả năng thích ứng rộng và đặc biệt tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh gỉ sắt rất thấp.
Phỏng vấn Bà Đinh Thị Tiếu Oanh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên- tác giả giống cà phê TRS1
Đây là giống có những tiến bộ mới do được lai tạo tổng hợp từ 4 dòng vô tính cà phê vối tốt là TR4, TR9, TR11, TR12, các dòng vô tính này là các dòng tốt đã được công nhận giống chính thức và Viện đã nghiên cứu cho kết hợp lai tạo có kiểm soát để đánh giá khả năng phối hợp chung giữa các giống này với nhau và đã cho ra một giống lai tổng hợp là TRS1 trên cơ sở trồng chung 4 dòng vô tính tốt làm bố, mẹ để sản xuất hạt giống lai.
Bên cạnh những công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cho người dân cũng được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng, phù hợp với điều kiện thời tiết của từng địa phương cũng như nhu cầu của người dân.
Việc chuyển giao giống được Viện thực hiện với nhiều hình thức như: cung cấp những cây giống được ươm tại Viện, bán chồi giống hoặc bán cây giống ghép tại chỗ, chuyển giao dưới dạng hạt giống lai (cà phê vối), hạt giống thuần chủng (cà phê chè) hoặc dưới dạng cây giống nuôi cấy mô.
Viện sẵn sàng mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con nông dân tiếp cận đầy đủ các giống cà phê mới.
Phỏng vấn Ông Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên
Chúng tôi còn nghiên cứu những giống cà phê có thể chống chịu được với những điều kiện bất thuận, đặc biệt là tình trạng thiếu nước do biến đổi khí hậu trong tương lai và những giống cà phê có tính kháng các loại sâu bệnh hại nguy hiểm. Chúng tôi có thể phát triển những dòng cà phê với những đặc tính mà thế giới đang cần, chẳng hạn như cà phê có hàm lượng cafein rất thấp hoặc không có cafein để phục vụ cho chế biến cà phê. Và những giống cà phê có hàm lượng cafein rất cao để sau này chúng ta có thể phục vụ cho ngành dược liệu, đấy là những định hướng trong những năm sắp tới của chúng tôi.
Theo thống kê, diện tích cà phê cả nước hơn 700.000ha, trong đó Tây Nguyên chiếm hơn 95% diện tích. Hiện, trên 80% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sử dụng giống do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu và chọn tạo.
Những nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đóng góp rất lớn trong việc phát triển loại cây trồng chủ lực quốc gia, hàng năm đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD.