| Hotline: 0983.970.780

Đóng góp lớn của WASI cho ngành cà phê

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

Thứ Hai 16/09/2024 , 08:29 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Những giống cà phê của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chuyển giao cho người dân đạt năng suất cao. Ảnh: Quang Yên.

Những giống cà phê của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chuyển giao cho người dân đạt năng suất cao. Ảnh: Quang Yên.

Bài liên quan

Theo TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), việc chuyển giao giống cà phê được Viện thực hiện với nhiều hình thức như: Cung cấp cây giống được ươm tại Viện; cung ứng chồi giống hoặc cây giống ghép tại chỗ; chuyển giao dưới dạng hạt giống lai (cà phê vối), hạt giống thuần chủng (cà phê chè) hoặc dưới dạng cây giống nuôi cấy mô.

“Việc chuyển giao giống cà phê được Viện thực hiện đa dạng, phù hợp với điều kiện thời tiết của từng địa phương cũng như nhu cầu của người dân thông qua 3 trung tâm đặt tại 3 địa phương phát triển cà phê lớn của Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng”,TS Hà cho hay.

Theo thống kê, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo tại 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2018 - 2023 ước đạt 105.027ha, trong đó khoảng 70.000ha trồng tái canh.

Hiện nay, WASI đã xây dựng các vườn sản xuất hạt giống cà phê vối lai TRS1 để cung cấp hạt giống cho sản xuất với diện tích 15ha, lượng hạt giống sản xuất hàng năm có thể đạt 30 tấn, đồng thời đã mở rộng hệ thống vườn ươm giống để sản xuất cây giống cà phê phục vụ tái canh với quy mô trên 5ha.

Giống cà phê TRS1 là giống chủ lực phục vụ tái canh cà phê ở Tây Nguyên những năm qua cũng như hiện nay. Ảnh: Quang Yên.

Giống cà phê TRS1 là giống chủ lực phục vụ tái canh cà phê ở Tây Nguyên những năm qua cũng như hiện nay. Ảnh: Quang Yên.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, giai đoạn 2018 - 2023, Công ty Nestlé Việt Nam phối hợp với WASI đã cung cấp cho nông dân 5,88 triệu cây giống thực sinh cà phê vối TRS1 (diện tích tương đương 5.880ha).

Ngoài việc cung cấp giống cà phê vối lai TRS1 cho các chương trình trên, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat (thuộc WASI) đã sản xuất để cung cấp cho nông dân trong giai đoạn 2018 – 2023 gồm 15 tấn hạt giống cà phê vối TRS1, 2 triệu cây giống lá sò TRS1, 2,5 triệu cây giống thực sinh cà phê vối TRS1 (diện tích tương đương 19.500ha).

Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (thuộc WASI) đã xây dựng 2ha vườn sản xuất hạt giống cà phê vối lai TRS1 từ năm 2015 đến nay, lượng hạt giống sản xuất từ năm 2018 - 2023 đạt khoảng 10 tấn.

Lượng cây giống và hạt giống cà phê vối lai TRS1 do WASI và các đơn vị trực thuộc, các vườn giống tại các tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã sản xuất và cung cấp cho nông dân trồng tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn 2018 - 2023 với diện tích trên 49.680ha, chiếm khoảng 70% diện tích tái canh toàn vùng trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, các tỉnh Tây Nguyên trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê, trong đó trồng tái canh 75 nghìn ha và giống cà phê vối lai TRS1 vẫn tiếp tục là giống chủ lực cho tái canh cà phê hiện nay.

Trên 80% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sử dụng giống do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu và chọn tạo. Ảnh: MP.

Trên 80% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sử dụng giống do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu và chọn tạo. Ảnh: MP.

“Về cây ghép, chúng tôi có thể cung ứng chồi, cung ứng cây giống ghép tại chỗ hoặc thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân. Điển hình như Dự án VnSAT đã xây dựng các vườn giống, vườn ươm ở từng huyện để bà con nông dân có thể tiếp cận các giống mới ngay tại từng địa bàn. Theo đánh giá của tôi, việc chuyển giao này hiện nay bà con nông dân nắm rất tốt”, Thạc sỹ Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng bộ môn Cây công nghiệp (thuộc WASI) nói và cho biết thêm, Viện sẵn sàng mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con nông dân tiếp cận đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác các giống cà phê mới.

Ông Lê Văn Hiền (thôn 10, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, gia đình ông hiện đang trồng 1ha cà phê. Trước đây, ông sử dụng giống cũ nên khả năng chống chịu bệnh kém, năng suất thấp, chỉ đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha.

“Năm 2010 tôi cải tạo, tái canh lại và trồng giống mới do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu gồm giống TR4, TR9, TR11, TR12, nhờ đó đã tạo đột phá về năng suất, đạt từ 4 - 4,5 tấn/ha, thậm chí nếu thâm canh tốt có thế đạt 6 - 7 tấn/ha, ngoài ra các giống mới của Viện còn kháng được bệnh gỉ sắt và chịu hạn tốt hơn những giống cũ, trong khi quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như các giống cũ”, ông Hiền chia sẻ.

Theo Thạc sỹ Đinh Thị Tiếu Oanh, giống cà phê nhân vô tính hoặc giống nhân bằng hạt được Viện chuyển giao cho bà con nông dân đến cả cấp huyện, thậm chí cấp xã. Bà con có thể mua hạt giống về sản xuất và được thông báo trên hệ thống truyền thông cũng như website của Viện để bà con mua đúng giống, tránh các điểm giả mạo.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Hậu Giang 'phủ kín' cán bộ thú y 3 cấp từ tỉnh đến xã

Lực lượng thú y được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp, đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm.

Nấm bệnh đẩy mô hình trồng thanh long vào ngõ cụt

NGHỆ AN Nhiều diện tích thanh long tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương, Nghệ An) bị nhiễm bệnh khiến người trồng bất lực, đến nay vẫn loay hoay trong việc tìm giải pháp phòng trừ.