Đắk Nông kêu gọi 4 dự án đầu tư vào nông nghiệp hàng trăm tỷ đồng. Gạo Việt ngày càng khẳng định được vị thế. Giá thức ăn chăn nuôi lại tăng ngay đầu tháng 5. Lạc xuân thu hoạch sớm đắt khách ngay tại ruộng.
ĐẮK NÔNG KÊU GỌI 4 DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành danh mục các dự án đầu tư vào nông nghiệp kêu gọi, thu hút đầu tư năm 2022 trên địa bàn tỉnh.Theo đó, năm 2022, tỉnh Đắk Nông kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp gồm 22 dự án, trong đó, Nông nghiệp có 4 dự án.Cụ thể, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu lớn nhất là nhà máy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 53,7ha tại thành phố Gia Nghĩa.Dự án thứ 2 là nhà máy chế biến rau củ quả với vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 5 tỷ đồng tại huyện Đắk Song. Dự án thứ 3 là nhà máy chế biến lúa gạo tại xã Buôn Choah, huyện Krong Nô có vốn đầu tư dự kiến ban đầu 40 tỷ đồng trên diện tích 1,5ha. Cuối cùng là nhà máy chế biến sâu nông sản, trái cây công nghệ cao, kho dự trữ, bảo quản thành phẩm, bãi tập kết nhiên liệu với tổng mức đầu tư từ 50 tới 100 tỷ đồng trên diện tích gần 17ha tại huyện Đắk Mil. Các dự án đều được đặt trên diện tích đất sạch đã được tỉnh quy hoạch và do UBND các huyện quản lý.
GẠO VIỆT NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH ĐƯỢC VỊ THẾ
Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo. Điển hình, đầu tuần tháng 4 vừa qua, giá gạo 5% tấm xuất khẩu tăng 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm, lên mức 415 USD/tấn - cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Theo Bộ Công Thương, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu gạo xuất khẩu từ sản phẩm cấp thấp sang cấp cao là một trong những nguyên nhân giúp giá trị xuất khẩu gạo tăng nhanh chóng. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở các thị trường khó tính. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030". Theo đó, Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt.
GIÁ THỨC ĂN CHĂN NUÔI LẠI TĂNG NGAY ĐẦU THÁNG 5
Trong thông báo gửi đến khách hàng, Công ty MNS Feed cho biết đã tăng 300-500 đồng/kg giá thức ăn chăn nuôi kể từ 1/5, áp dụng cho khu vực miền Nam. Tương tự, Công ty De Heus cũng tăng 300-400 đồng/kg đối với hầu hết loại cám kể từ đầu tháng 5, áp dụng từ Quảng Trị đến Cà Mau.Hàng loạt doanh nghiệp như Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long), Công ty CJ Vina Agri... cũng thông báo tăng 300-400 đồng/kg cho hầu hết sản phẩm cám kể từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5.Theo các hộ chăn nuôi, đây đã là lần tăng giá cám thứ 13 của hầu hết công ty kể từ cuối năm 2020 đến nay. Mỗi lần tăng từ 300-500 đồng/kg, giá của hầu hết sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng trên 6.000 đồng/kg, tương đương tăng trên 150.000 đồng/bao 25kg so với thời điểm cuối năm 2020.
LẠC XUÂN THU HOẠCH SỚM ĐẮT KHÁCH NGAY TẠI RUỘNG
Hơn nửa tháng nữa mới vào chính vụ thu hoạch lạc, song ở nhiều địa phương tại tỉnh Nghệ An, nông dân đã nhổ lạc sớm bán cho thương lái. Do lạc đầu mùa còn ít, nhu cầu tiêu thụ mạnh nên giá khá cao, dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, hầu hết lạc thu hoạch xong được bán củ tươi cho thương lái ngay tại ruộng.Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng hơn 10.000 ha lạc, chủ yếu tập trung tại các địa phương: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu… Do thời tiết đầu vụ mưa rét kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến lịch thời vụ cũng như năng suất cây lạc.