Đông Nam Bộ xuất hiện đợt triều cường mới. Mùa cá ruộng thắng lợi của nông dân Hậu Giang. Rộn ràng mùa lấy mật làm đường thốt nốt. Nông dân thu lãi lớn nhờ trồng đào cảnh.
ĐÔNG NAM BỘ XUẤT HIỆN ĐỢT TRIỀU CƯỜNG MỚI
Quỳnh Anh khai thác
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày hôm nay 1-5/12, khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện đợt triều cường. Mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu vào ngày 2/12 có khả năng đạt 4,1m; đề phòng ngập úng các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ.
Thông tin cũng cho biết, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện 5 đợt triều cường. Các chuyên gia về thủy văn lưu ý, triều cường cao sẽ làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông phía Đông Nam Bộ. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, ven sông, vùng ngoài đê bao phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian sáng sớm và đầu giờ chiều.
MÙA CÁ RUỘNG THẮNG LỢI CỦA NÔNG DÂN HẬU GIANG
Trung Chánh – Văn Vũ
Tại Hậu Giang, tính đến hết tháng 11, toàn tỉnh thả nuôi được 12.901ha thủy sản, đạt 112% kế hoạch năm, trong đó diện tích cá ruộng có gần 9.000ha. Thời điểm này, nông dân đang vào vụ thu hoạch để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân. Năm nay nước về sớm nên cá đạt năng suất và giá bán cao. Theo bà con nông dân, bình quân mỗi héc-ta cá ruộng bà con đạt lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, cao hơn từ 2-3 triệu đồng so với mọi năm. Ngoài việc cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa Thu đông thì nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/ha tiền làm đất hay chi phí để diệt cỏ dại trong mùa nước. Ông Lê Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ chia sẻ: “Sản xuất lúa 1 đến 2 vụ thôi, tối đa là 2 vụ, từ những trường hợp đặc biệt mình 3 vụ thôi. Có khoảng thời gian 3 đến 4 tháng mùa nước nổi đó tận dụng cái này để bà con có nguồn thu nhập thường xuyên trên các cánh đồng của họ để cho họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, con cái học hành.”
RỘN RÀNG MÙA LẤY MẬT LÀM ĐƯỜNG THỐT NỐT
Lê Hoàng Vũ - Văn Vũ
Hiện nay, tại vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đang vào mùa lấy mật thốt nốt. Có mặt tại cánh “rừng” trồng cây thốt nốt nhiều nhất là huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên mới thấy hết không khí tất bật của người leo và người chở thốt nốt về nấu thành những tán đường thơm ngon nức tiếng để mang đi tiêu thụ. Từ nay đến Tết Nguyên đán, việc khai thác đường thốt nốt diễn ra rất mạnh. Tuy mới vào mùa thắng đường nhưng bà con nơi đây rất phấn khởi bởi giá đường đang nằm ở mức cao từ 30.000 35.000 đồng/kg. Với giá này, trung bình mỗi người thu nhập khoảng 200.000 -300.000 đồng/ngày, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đặc biệt, đây là nghề truyền thống cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là niềm tự hào của đồng bào Khmer tại vùng Bảy Núi, góp phần nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Tin 4 - Quốc Toản
NÔNG DÂN THU LÃI LỚN NHỜ TRỒNG ĐÀO CẢNH
Hiện nay, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã hình thành vùng chuyên canh trồng đào cảnh rộng 500ha tại xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Vân Sơn, Thọ Tân, Thọ Dân. Theo tính toán của các hộ dân, sau khi trừ chi phí, nghề trồng đào cảnh cho thu nhập từ 500 - 700 triệu/1ha mỗi năm. Không chỉ tự trồng, người dân nơi đây còn có thêm dịch vụ chăm lại đào cho khách. Việc này vừa không phải đầu tư vốn lại vừa có nguồn thu nhập ổn định, không phải phấp phỏng tìm đầu ra cho cây đào mỗi khi tết đến.
Để mở rộng và phát triển Triệu Sơn đã khảo sát và xây dựng Đề án phát triển cây đào cảnh huyện Triệu Sơn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Huyện đang tập trung triển khai đề án trên thực tế, trong đó mũi nhọn là nâng cao tính nghệ thuật trên cây đào, thông qua các lớp tập huấn và hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, tích tụ tập trung chuyển đổi đất đai và cơ cấu cây trồng đảm bảo quy định pháp luật, đồng thời đưa cây đào lên sàn giao dịch điện tử để trao đổi hàng hóa.