Đặt mục tiêu 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật. 7.000 tỷ đồng đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030. Thị phần hạt tiêu Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ đạt 73%. Quất cảnh Hội An được mùa, được giá.
ĐẶT MỤC TIÊU 60% KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐƯỢC CÔNG NHẬN TIẾN BỘ KỸ THUẬT
Báo cáo tại cuộc họp xây dựng Chiến lược phát triểnKhoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 21/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đến năm 2030, Chiến lược đặt mục tiêu có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhậntiến bộ kỹ thuậtvà áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả tiến bộ kỹ thuật nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Chia sẻ về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đổi mới sáng tạo sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của các sản phẩm nghiên cứu khoa học phải đến được với thị trường, nếu không thực hiện được sẽ là sự thất bại.Đặc biệt, Chiến lược, hoạt động nghiên cứu khoa học cần lấy nông dân làm trung tâm. Qua đó, nắm bắt nhu cầu của nông dân đang cần gì để lựa chọn và thực hiện đề tài nghiên cứu.
7.000 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Chiều 21/12, tại Hội nghị Triển khai Chương trình quốc gia Phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021 – 2030, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản nước ta đạt 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm. Đặc biệt, trong 8 năm tới, chúng ta sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung. Hình thành chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản. Trong giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm dự án với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng về phát triển nuôi trồng thuỷ sản và 19 dự án/nhóm dự án phát triển nuôi trồng thuỷ sản ưu tiên với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng.
THỊ PHẦN HẠT TIÊU VIỆT NAM TRONG TỔNG LƯỢNG NHẬP KHẨU CỦA HOA KỲ ĐẠT 73%
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế Hoa Kỳ cho biết, 10 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của nước này đạt 76,11 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 379,8 triệu USD. 10 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh từ các thị trường Brazil, Ấn Độ, nhưng tăng từ các thị trường Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc. Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 10 tháng năm 2022, lượng đạt xấp xỉ 55,77 nghìn tấn, trị giá 275,31 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 38,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 68,55% trong 10 tháng năm 2021 lên 73,27% trong 10 tháng năm 2022.
QUẤT CẢNH HỘI AN ĐƯỢC MÙA, ĐƯỢC GIÁ
Những ngày này, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam – thủ phủ quất cảnh của miền Trung đang tất bật vào vụ Tết. Sau 2 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, năm nay, hầu như các hộ dân trồng quất ở Hội An đều rất phấn khởi khi các chậu quất đang phát triển tốt, đầu ra ổn định và giá cả tương đối cao so với các năm.