Tạo diện mạo mới cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam chi 1,87 tỷ USD nhập khẩu rau quả. Phấn khởi khi giá tôm nguyên liệu tăng cao. Sản lượng trái cây chính vụ của Đồng Nai ước đạt 50.000 tấn.
TẠO DIỆN MẠO MỚI CHO NÔNG NGHIỆP ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Chiều 20/12, phiên toàn thể Diễn đànMekong Startup do lãnh đạo Chính phủ chủ trì, thảo luận vấn đề cơ hội và thách thức xoay quanh các chuỗi ngành hàng trọng điểm và toàn ngành nông nghiệp đồng bằng sông cửu long diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp.Phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, số lượng doanh nghiệp tham gia quá trình sản xuất ngày càng nhiều, mỗi năm có 100.000 đơn vị, tuy nhiên, chỉ có 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, con số này khá khiêm tốn.Thứ trưởng kỳ vọng Mekong Startup sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và dẫn dắt, hợp lực lẫn nhau của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo ra diện mạo mới cho hệ thống chương trình, sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở đồng bằng sông cửu long, theo hướng xanh hóa và bền vững.Mekong Startup lần I năm 2022 là sự kiện do Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức từ ngày 19 - 20/12/2022. Mục tiêu lớn nhất của Diễn đàn là để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế hành động của cả 2 khu vực công – tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo.
VIỆT NAM CHI 1,87 TỶ USD NHẬP KHẨU RAU QUẢ
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu rau quả 11 tháng năm 2022 của Việt Nam ước đạt 1,87 tỉ USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo tiếp tục tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết.Trong đó, táo là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với tổng giá trị trong 10 tháng đầu năm nay, đạt 214 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nhập khẩu táo chính là các nước New Zealand, Trung Quốc, Mỹ... Xếp thứ 2 về kim ngạch nhập khẩu trong nhóm ngành rau quả là nho với tổng trị giá gần 160 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2021.Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều tỏi, đậu xanh, hành tây, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp... cùng các loại rau củ chế biến.
PHẤN KHỞI KHI GIÁ TÔM NGUYÊN LIỆU TĂNG CAO
Thời điểm cuối năm, nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, nên giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu đang tăng lên khoảng 5%. Người nuôi tôm đang rất phấn khởi vì đạt lợi nhuận khá sau thời gian dài đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh, chi phí nuôi tôm gia tăng.Theo đó, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg hiện dao động từ 250.000 - 270.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá dao động 95.000 đồng/kg, tôm thẻ cỡ 30 con/kg giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg giá từ 250.000 đồng trở lên. Giá tôm nguyên liệu tănglà tin vui đối với người nuôi tôm; đồng thời, giúp bà con đẩy nhanh cải tạo thả nuôi vụ sản xuất mới.
SẢN LƯỢNG TRÁI CÂY CHÍNH VỤ CỦA ĐỒNG NAI ƯỚC ĐẠT 50.000 TẤN
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 loại trái cây đang vào vụ thu hoạch chính gồm: thanh long, cam, quýt, bưởi, mít, chuối và xoài. Dự kiến trong tháng Tết Nguyên đán Quý Mão - năm 2023, tổng sản lượng thu hoạch các loại nông sản này đạt khoảng 50.000 tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, cũng như thị trường xuất khẩu.Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của hậu dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới đã làm hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tươi và chế biến gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm các mặt hàng rau, củ, quả trong 11 tháng năm 2022 của tỉnh Đồng Nai đạt 136 triệu USD, giảm 0,05% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong niên vụ mới được dự báo những khó khăn sẽ giảm bớt.