Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác phòng ngừa, cảnh báo, dự báo, từ đó góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Theo những nghiên cứu gần đây, các thảm họa thiên tai đang tiếp tục gia tăng với tần suất thường xuyên hơn và có cường độ mạnh hơn không chỉ ở các quốc gia Châu Á mà trên phạm vi toàn cầu. Trong 20 năm trở lại đây, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0 ÷ 1,5% GDP. Thực tế này đòi hỏi công tác phòng ngừa, cảnh báo, dự báo cần được quan tâm và đầu tư hơn nhiều hơn nữa.
Ông QUẢNG VĂN VIỆT
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai
Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung do định hình chia cắt mạnh nên cảnh báo đến cấp xã là điều cần thiết, phải cảnh báo được. Bởi vì địa bàn rộng, chia cắt mạnh. Bên này đường có thể mưa nhưng bên kia thì lại nắng. Do đó, cần có nhiều trạm cảnh báo để tăng độ che phủ. Từ đó, cung cấp dữ liệu đầu vào cảnh báo tốt hơn.
Ông NGUYỄN VĂN DĨNH
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang
Tôi cho rằng việc đầu tư cho hệ thống quan trắc, cảnh báo và các thông tin để đến các cấp lãnh đạo, người dân để phòng ngừa thiên tai, lũ lụt là rất cần thiết. Tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đầu tư cho các hồ còn lại, đặc biệt là cảnh báo mực nước ở các sông như sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam.
Thời gian qua, Việt Nam cùng với nhiều quốc gia đã tăng cường hợp tác trong việc phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đặc biệt là Nhật Bản, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và ứng phó với thiên tai như động đất, sóng thần, lũ lụt và bão…
Ông NGUYỄN XUÂN TÙNG
Phó trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục QLĐĐ&PCTT
Với công tác phòng chống thiên tai thì chúng ta có thể có nhiều bài học từ Nhật Bản cũng như các quốc gia tiên tiến. Đầu tiên là về quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của họ đều tính đến các rủi ro về thiên tai, lũ lụt. Thứ 2 là công nghệ dự báo, cảnh báo họ có hệ thống đo dày đặc, tính toán chi tiết, tiên tiến.
Ông SHIN ISHIKAWA
Trợ lý Thứ trưởng - Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản
Đọc dịch: Liên quan đến sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam thì hiện chúng tôi đang triển dự án hợp tác giúp đỡ Việt Nam xây dựng bản đồ rủi ro, trong đó có cả rủi ro thiên tai cũng như các thiệt hại về kinh tế. Tôi nghĩ rằng khi Việt Nam xây dựng được bản đồ rủi ro thiên tai này thì nó sẽ phát huy vai trò rất lớn trong công tác phòng, chống thiên tai. Thời gian tới chúng tôi cam kết sẽ cùng với Việt Nam thực hiện dự án này.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nhật Bản là quốc gia có kinh nghiệm trong việc quy hoạch hiệu quả và nhiều công nghệ tiên tiến với hệ thống cảnh báo lũ lụt chi tiết, thiết bị đo lường chính xác cao, nhưng giá thành hợp lý. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản trong phát triển các khu sơ tán quy mô lớn tại các sân vận động hoặc công trình công cộng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong những tình huống khẩn cấp./.