Ở Huế cứ mỗi độ Tết đến xuân về thì hầu như làng nào cũng nấu bánh tét để dâng cúng ông bà tổ tiên. Nhưng thơm ngon và nổi tiếng hơn cả là bánh tét làng Chuồn.
Dẻo thơm bánh tét làng Chuồn
Ở Huế cứ mỗi độ Tết đến xuân về thì hầu như làng nào cũng nấu bánh tét để dâng cúng ông bà tổ tiên. Nhưng thơm ngon và nổi tiếng hơn cả là bánh tét làng Chuồn.
Tên làng Chuồn là cách nói tiếng Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngoài làm tranh trướng liễn dân gian, làng Chuồn nổi tiếng gần xa với nghề làm bánh tét đã trở thành thương hiệu mỗi khi nhắc đến ẩm thực xứ Huế.
Những ngày giáp Tết Quý Mão, chúng tôi tìm về nhà bà Trần Thị Minh, chủ một cơ sở làm bánh tét có tiếng ở làng Chuồn. Là người có thâm niên hơn 40 năm gắn bó cùng nghề làm bánh tét, bà Minh nói rằng, điều cốt yếu làm nên hương vị bánh tét làng Chuồn chính là loại nếp tây được trồng tại địa phương. Loại nếp này dùng làm bánh tét thì không nơi có nơi nào sánh bằng. Cũng bởi bánh tét làng Chuồn thơm ngon đặc biệt nên từ hàng trăm năm trước đã là sản vật tiến vua mỗi dịp Tết đến xuân về.
PV: Bà TRẦN THỊ MINH, người dân làng Chuồn
Ngoài ra, để tạo nên hương vị chiếc bánh tét làng Chuồn mang phong vị Huế người làm bánh phải tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn từ chọn nếp, đậu xanh, thịt cho đến lá dùng gói bánh, lạt giang dùng để buộc. Nếu như nếp, nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh tét phải được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước thì lá dùng gói bánh cũng phải là lá chuối sứ không già lắm, có mặt rộng độ bền chắc.
Theo ông Huỳnh Văn Tích, bánh tét làng Chuồn nổi tiếng là nhờ người làm có kĩ nghệ riêng. Đó là khi gói bánh, người thợ phải thao tác khéo, để nhụy bánh nằm đúng trung tâm. Có như vậy đòn bánh gói đẹp giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau.
Đồng thời, trong quá trình nấu bánh, phải thay nước ít nhất hai lần để khỏi úa màu lá. Giữ lửa đều 24 tiếng làm cho bánh nhừ, giữ được lâu mà hạt nếp vẫn không "sống" trở lại. Với những bí kíp đó, bánh tét làng Chuồn không chỉ có màu sắc xanh tươi mà còn giữ lâu từ đến hơn 20 ngày mà không hư.
PV: ÔNG HUỲNH VĂN TÍCH, người dân làng Chuồn
Trong những ngày Tết, bên cạnh những loại bánh trái khác, với hương vị riêng của mình, bánh tét làng Chuồn đã trở thành một món ăn đặc trưng không thể thiếu của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.