Tổ hợp tác trồng lúa cao sản xã Hưng Long, huyện Bình Chánh tự tin trồng giống lúa ST25 bằng phương pháp hữu cơ cho năng suất cao, chất lượng gạo vượt trội.
3 năm trước, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đã bắt đầu thử nghiệm chuyển đổi trồng lúa từ phương pháp truyền thống sang phương pháp hữu cơ.
Nhận thấy, mô hình này bước đầu cho hiệu quả kinh tế, năng suất cao, nâng cao thu nhập, chống chọi được với tác động của biến đổi khí hậu, năm 2024, Tổ hợp tác lúa cao sản Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM được hình thành với sự đồng thuận của chính quyền và sự tham gia của bà con nông dân nơi đây.
Mời quý vị và các bạn theo dõi ghi nhận do các phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Đông Nam bộ thực hiện.
Đây là mô hình thử nghiệm trồng lúa ST25 hữu cơ trên diện tích 7ha thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh với 7 thành viên tham gia canh tác.
Trước đây, vụ Hè Thu, bà con nông dân chủ yếu trồng giống lúa IR5451 hoặc OEM6976, tuy nhiên năng suất không cao.
Là một trong những hộ đầu tiên tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh trồng thử nghiệm mô hình lúa ST25 bằng phương pháp hữu cơ, ông Nguyễn Văn Hai phấn khởi khi dẫn chúng tôi đi thăm quan ruộng lúa đang vươn mình vào độ chín dù vừa trải qua thời gian mưa gió.
Ông Nguyễn Văn Hai, Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa cao sản, ấp 3, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh: “Trước khi chúng tôi thành lập, có 1 hãng phân ABZ hợp đồng với chúng tôi cung cấp làm cây lúa đặc sản ST25, cung cấp phân hữu cơ cho chúng tôi. Rải và xài phân hữu cơ trong năm nay. Trước đây chúng tôi dùng phân hóa học NPK.
Sau mùa mưa, mà cây lúa còn đứng được như thế này chứng tỏ nó chịu với hữu cơ, cứng cây, nghĩa là nó không dư đạm nhiều, nên không mềm cây, màu xanh quá đậm thì nó sẽ xào lúa, không đạt năng suất. Trước đó nó sẽ sập, không thu hoạch được nữa là hết”.
Ông Trần Mỹ Huê, Ấp 3 xã Hưng Long: “Tôi bón phân hữu cơ theo đúng liều lượng trên diện tích 1.000 mét vuông bón theo hướng dẫn của bên kỹ thuật. Thấy lúa này nó năng suất cao, có hiệu quả kinh tế. Trước kia tôi làm giống kia thì nó không đạt, giống này bây giờ cơ bản nó đạt nhiều. Sản lượng bây giờ ước đạt 80% là mừng rồi, vì thời tiết năm nay khó làm”
Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Hội Nông dân, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông xã Hưng Long, đặc biệt là việc bao tiêu đầu ra của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu ABZ, những hộ nông dân này đã dần dần chủ động và tự tin trong quá trình canh tác lúa cao sản ST25 bằng phương pháp hữu cơ ngay trên mảnh đất của mình. Nhất là khi không phải tiếp xúc với phân bón hóa học.
Ông Võ Văn Khôi, Ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh: “Như giống bình thường thì giá cả khoảng 4000 -4.500đ/kg, còn giống lúa này 8.000-8.500đ/kg, có thể lên tới. 9.000-9500đ/kg. Cái lúa này, tôi thấy đạt vậy được rồi, tôi không bao giờ bỏ. Có đổi giống lúa mới nào thì mình chỉ thử nghiệm thôi chứ cái giống này tôi không bỏ.
Tôi làm lúa này rồi, có bao nhiêu ha thì tôi làm hết, chứ không bỏ, mà bỏ giống kia luôn. Tôi mới vào tổ hợp tác, lúc tôi làm có nhiều người thấy hỏi để làm theo”.
Những năm gần đây, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải theo đúng định hướng của ngành nông nghiệp TP.HCM. Trong đó, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao, tạo sự lan tỏa trong sản xuất.
Đây là năm thứ ba mô hình này được triển khai, và là một trong những chuyển đổi cây trồng quan trọng của TP.HCM theo hướng đô thị, sử dụng phân bón hữu cơ, không tồn dư phân thuốc hóa học trong cây trồng. Theo đánh giá kết quả từ hai năm trước, trung bình 1 ha sản lượng ước đạt khoảng 4,5-5 tấn.
Ông Huỳnh Công Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Long, huyện Bình Chánh: “Hội Nông dân hiện nay đang mở một lớp IPM để hướng dẫn cho bà con về sản xuất lúa, về kỹ thuật bón phân, chăm sóc như thế nào rồi sau đó cho bà con mình giao lưu.
Một hai năm nữa chúng tôi đúc kết kinh nghiệm và mình trao đổi với cán bộ trạm bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, rồi từ đó cán bộ trạm mới đưa ra giải pháp để mình xử lý, sản xuất cho có chất lượng”.
Theo định hướng của địa phương, dự kiến diện tích trồng lúa cao sản ST25 sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 20ha trong thời gian tới, mỗi năm 2 vụ trên địa bàn xã Hưng Long.
Ông Nguyễn Hồng Hải Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Chánh: Mong muốn, sau thu hoạch đảm bảo đầu ra ổn định, đã hướng dẫn thực hiện ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ và để nâng cao chất lượng và năng suất, tiếp tục kết hợp khảo sát chuyên sâu, đánh giá sự phát triển của cây trồng.
Được biết, toàn bộ sản lượng gạo từ mô hình mẫu này được cam kết bao tiêu với giá cao, trong đó một số đối tác từ Nhật Bản, Đài Loan đã có hợp tác ghi nhớ tiêu thụ toàn bộ sản lượng phát triển thêm trong tương lại kèm điều kiện giám sát toàn bộ quy trình sản xuất này.
Kính thưa quý vị và bà con
Có thể nói, mô hình Tổ hợp tác lúa cao sản này là một trong những mô hình điển hình cho việc đẩy mạnh, đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất kinh doanh phù hợp với kinh nghiệm của nông dân, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Với nhu cầu tiêu thụ lúa gạo hữu cơ chất lượng cao rất tiềm năng, nhất là thị trường xuất khẩu, trong thời gian tới, hy vọng sẽ có nhiều bà con nông dân tự tin tham gia chuyển đổi theo hướng xanh, sạch hữu cơ và bền vững, nâng cao chất lượng hạt lúa, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con vùng nông thôn, định hình thương hiệu lúa cao sản hữu cơ của huyện ngoại thành, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Chánh nói riêng và TP.HCM nói chung.
Đến đây thời lượng phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện xin phép được khép lại.