Doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại Cần Thơ gặp khó khăn do lãi suất tăng cao nên thiếu hụt nguồn thu mua lúa cho người dân và hoạt động sản xuất.
Doanh nghiệp chế biến lúa, gạo gặp khó khăn do lãi suất tăng cao
Hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ hàng loạt doanh nghiệp chế biến lúa gạo đang gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng cao. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng thương mại cắt giảm hạn mức cho vay và ngưng cấp vốn đã làm doanh nghiệp gặp trở ngại trong xoay chuyển đồng vốn để thu mua lúa và chế biến xuất khẩu.
Bà HUỲNH THỊ BÍCH HUYỀN - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát: “Nhờ đến ngành chức năng thành phố Cần Thơ gỡ khó cho doanh nghiệp thời điểm này vì lãi suất rất cao nên làm cho doanh nghiệp rất khó khăn…”
Theo đó, để nhanh chóng tái cơ cấu lại hoạt động chế biến lúa gạo và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã được ngân hàng tư vấn vay vốn ngắn hạn để có vốn lưu động trong sản xuất kinh doanh. Thế nhưng sau COVID-19 và trong “cơn bão” tăng lãi suất vừa qua, nhiều doanh nghiệp đang mất dần khả năng cân đối tài chính và không thanh toán cho ngân hàng dẫn đến nợ xấu.
Bà HUỲNH THỊ BÍCH HUYỀN - Tổng giám đốc Công ty XNK Ngọc Quang Phát : “Lãi xuất chúng tôi hiện giờ 12 chấm, còn ngắn hạn là 9.9, lãi suất này trước giờ chưa từng có, nếu như vậy một năm chúng tôi phải trả mấy trăm tỷ, vài năm thôi chúng tôi không còn vốn kinh doanh…”
Ông HÀ VŨ SƠN - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ: “Hiện nay khó khăn về nguồn vốn và các hợp đồng để mua lúa cho người dân. Sở Công Thương đang tập hợp cơ quan có thẩm quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền”
Cần Thơ hiện có 104 cơ sở, doanh nghiệp và công ty chế biến lúa gạo cùng khoảng 15 ngàn công nhân. Hàng năm lượng ngoại tệ xuất khẩu thu về trên dưới 700 triệu đô la Mỹ, chiếm 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn thành phố. Hiện UBND thành phố Cần Thơ đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để ngành chế biến nông sản tren địa bàn từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển./.