Đến năm 2050 sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Hàng trăm doanh nghiệp chế biến lúa gạo gặp khó do thiếu vốn. Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2028. Đề xuất sử dụng xe điện trung chuyển khách tham quan Đại nội Huế.
ĐẾN NĂM 2050 SẼ KHẮC PHỤC HOÀN TOÀN TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC
Quang Dũng – Khai thác
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt với mức đảm bảo 100%. Cấp và tạo nguồn cấp nước cho khu vực nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư.
Cấp nước tưới chủ động cho toàn bộ diện tích lúa được tưới với tần suất đảm bảo tối thiểu 85% (riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đảm bảo 90 - 95%), chủ động với các kịch bản cực đoan, nâng cao tỷ lệ tưới tiết kiệm nước. Khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh, hệ thống thủy lợi…
HÀNG TRĂM DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN LÚA GẠO GẶP KHÓ KHĂN DO THIẾU VỐN
Văn Vũ (ĐBSCL) - sx
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại TP. Cần Thơ đang gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng cao, cắt giảm hạn mức cho vay và ngưng cấp vốn. Điều này khiến doanh nghiệp thiếu vốn thu mua lúa để chế biến và xuất khẩu.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP. Cần Thơ, thành phố hiện có 104 cơ sở, doanh nghiệp và công ty chế biến lúa gạo cùng khoảng 15.000 công nhân. Hàng năm lượng ngoại tệ xuất khẩu thu về trên dưới 700 triệu đô la Mỹ, chiếm 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn thành phố. Ông Hà Vũ Sơn Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo trên địa bàn thành phố là về vay vốn và các hợp đồng ký để thu mua lúa cho người dân. Trước tình hình đó Sở Công Thương sẽ kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền và Trung ương để tìm cách khắc phục và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
NGÀNH SẮN ĐẶT MỤC TIÊU XUẤT KHẨU 2 TỶ USD VÀO NĂM 2028
Quang Dũng – Khai thác
Theo ông Nghiêm Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, hiện nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Khoảng 10 năm trở lại đây ngành sắn Việt Nam phát triển nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu sắn, sau Thái Lan.
Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được con số này, ngành sắn đang có 3 điểm yếu cần phải giải quyết là: xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; mất cân đối giữa chế biến và vùng trồng sắn nguyên liệu…
ĐỀ XUẤT SỬ DỤNG XE ĐIỆN TRUNG CHUYỂN KHÁCH THAM QUAN ĐẠI NỘI HUẾ
Công Điền
Nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực Đại nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập phương án sử dụng xe điện chở khách từ cửa Hiển Nhơn ra bến xe Nguyễn Hoàng với lộ trình: Cửa Hiển Nhơn - Đinh Công Tráng - Đinh Tiên Hoàng - Trần Hưng Đạo - Bến xe Nguyễn Hoàng. Đồng thời nghiên cứu làm điểm đỗ xe tại cửa Hiển Nhơn.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay, lượng phương tiện gia tăng đang gây áp lực cho hạ tầng đô thị ở khu vực nội thành Huế. Đặc biệt vào thời gian cao điểm, lượng khách du lịch lớn dẫn đến khu vực cửa Ngăn, Đại nội Huế thường xuyên bị ách tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.