Hàng loạt dự án hỗ trợ kỹ thuật từ quản lý, sản xuất giống, quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản và thiết kế vườn cà phê cảnh quan giúp nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam.
Dự án VnSAT thực hiện tổng số 21 nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cấp Trung ương do 11 đơn vị thực hiện. Toàn bộ 21 nhiệm vụ đã hoàn thành và được Bộ NN-PTNT phê duyệt các sản phẩm.
Các nhiệm vụ hỗ trợ và nâng cao chất lượng các hoạt động của dự án cũng như của ngành như dịch vụ khuyến nông, sản xuất giống, quản lý giống, quy hoạch, ban hành chính sách, giám sát khí phát thải,...
Đặc biệt, những kết quả từ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của Ngân hàng Thế giới và của Bộ NN-PTNT về vấn đề vận dụng phương pháp tiếp cận cảnh quan và các định hướng phát triển cảnh quan cà phê.
Hoạt động cà phê cảnh quan tại tỉnh Đắk Nông đã được Tập đoàn Pan tham gia vào chuỗi liên kết, đưa thị trường trong nước dưới mẫu mã bao bì gắn với thương hiệu cà phê cảnh quan dự án VnSAT. Sản phẩm đang được đưa vào chiến dịch truyền thông và quảng bá thương hiệu không chỉ trong nước mà hướng tới thị trường xuất khẩu quốc tế.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ triển khai Chương trình tái canh cây cà phê giai đoạn 2016 – 2020, trong khuôn khổ dự án VnSAT, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên đã triển khai nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản xuất, quản lý hoạt động sản xuất giống cà phê và xây dựng các mô hình tái canh cà phê bền vững chuyển giao cho các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên. Các sản phẩm tiêu biểu của nhiệm vụ này là quy trình canh tác cà phê chè; 11 mô hình tái canh ngay cà phê không luân canh đạt hiệu quả, tỷ lệ cây chết, vàng lá dưới 10% ở 5 tỉnh Tây Nguyên; 2 mô hình tái canh cà phê chè tại Lâm Đồng và Kon Tum…
Các sản phẩm của nhiệm vụ này đã được dự án gửi cho 5 tỉnh Tây Nguyên để cập nhật vào chương trình đào tạo của các tỉnh. Đặc biệt, dự án đã chuyển gieo 10ha mô hình tái canh cà phê vối thành công tại 5 tỉnh tây Nguyên. Trong đó 6 ha mô hình kế thừa tại Đăk Lăk, Gia Lai và Lâm Đồng sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây chết, vàng lá dưới 5%, năng suất vụ 2020 đạt từ 4,05 – 4,67 tấn nhân/ha, hiệu quả kinh tế tăng so với các vườn đối chứng 12,5 – 28,3%.
Ngoài ra, hai mô hình tái canh cà phê chè sau 40 tháng trồng có tỷ lệ cây bị vàng lá, cây chết ở mức thấp 2,8 – 5,8% so với các vườn đối chứng từ 6,4 – 9,6%. Năng suất năm 2020 đạt 2,91% tấn nhân/ha, hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn 27% so với các vườn đối chứng.