| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT đầu tư bám sát nhu cầu thực tế

Thứ Ba 10/05/2022 , 13:32 (GMT+7)

Cần Thơ Dự án VnSAT đầu tư bám sát nhu cầu thực tế, giúp các hợp tác xã (HTX) ở TP Cần Thơ tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng dịch vụ hậu cần nông nghiệp.

“Từ những ngày đầu thành lập, quá trình hoạt động HTX cũng rất bình thường, chỉ là tập hợp một nhóm nông dân vậy thôi. Đối với những người nông dân, quanh năm chỉ có cây lúa, dư chỉ có chút đỉnh, nếu không có Dự án VnSAT chúng tôi không dám mơ ước đến nhà kho hay lò sấy to như vậy”.

Đó là lời bộc bạch rất đỗi bình dị của ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ khi trao đổi cùng với phóng viên về chặng đường phát triển của đơn vị từ sau khi tiếp cận được Dự án VnSAT.

Thành lập từ năm 2015, với tiền thân ban đầu là tổ hợp tác sản xuất lúa giống Khiết Tâm. HTX hội tụ 40 thành viên với diện tích đất lúa sản xuất là 340 ha. Sản xuất lúa hàng hóa với 2 loại giống lúa chủ lực là Jasmine 85 và OM.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn của HTX Khiết Tâm, tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn của HTX Khiết Tâm, tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Giai đoạn năm 2016, HTX đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa, đưa kỹ thuật và cơ giới hóa vào đồng ruộng, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính.

Qua 4 năm phát triển, năm 2019 lần đầu tiên HTX Khiết Tâm được tiếp cận với Dự án VnSAT. HTX nhận được sự hỗ trợ với nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng từ dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: nhà kho với khả năng lưu trữ 1.000 tấn lúa, lò sấy lúa công suất 40 tấn/mẻ, 2 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu 600 ha đất sản xuất, máy tách hạt... Chính sự tiếp sức này, hoạt động của HTX cũng từng bước đi vào nề nếp, kế hoạch được hoạch định rõ ràng hơn, đời sống của bà con xã viên từ đây cũng được cải thiện đáng kể.

Cơ sở vật chất được đầu tư hoàn chỉnh đã tạo lợi thế cạnh tranh cho HTX khi thực hiện các dịch vụ hậu cần nông nghiệp cho bà con xã viên và thành viên liên kết. Nổi bật, HTX đủ khả năng cung ứng từ 600 – 1.000 tấn lúa giống cấp xác nhận trong mỗi vụ lúa cho các đơn vị đối tác. Hiện nay, đơn vị là đối tác cung cấp khoảng 5.000 tấn lúa giống chất lượng cao mỗi năm cho Viện lúa ĐBSCL.

Ngoài ra, HTX còn cung cấp máy gặt đập liên hợp, máy san ủi đất bằng tia laser, máy cuốn rơm và đầu tư thêm máy bay không người lái để chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật,… phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất lúa gạo của các thành viên trong HTX.

Được Dự án VnSAT đầu tư nhà kho với khả năng lưu trữ 1.000 tấn lúa, bà con xã viên HTX Khiết Tâm rất vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Kim Anh.

Được Dự án VnSAT đầu tư nhà kho với khả năng lưu trữ 1.000 tấn lúa, bà con xã viên HTX Khiết Tâm rất vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Kim Anh.

Ông Huấn cho biết, toàn bộ xã viên trong HTX được tham gia hướng dẫn quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm” trong canh tác lúa từ đó giảm đáng kể về chi phí trong sản xuất, so với tập quán sản xuất thời gian trước, bà con xã viên sạ lúa rất dày khoảng 150kg/ha, nhưng từ khi tham gia Dự án VnSAT cách làm này đã thay đổi, lượng lúa giống trong gieo sạ đã giảm còn 100 – 120 kg/ha.

Cũng theo ông Huấn, biến chuyển quan trọng mà HTX nhận được từ sau khi Dự án VnSAT triển khai là thông qua các buổi tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ Ban lãnh đạo HTX mà dự án triển khai, bản thân ông Huấn đã xác định rõ hơn đường hướng phát triển cho HTX, không chỉ đơn thuần là tổ chức tập hợp nông dân, mà HTX phải là phải phát huy vai trò là đơn vị liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để cùng kinh doanh, phát triển.

 Theo con số ông Huấn đưa ra, hiện nay doanh thu của HTX Khiết Tâm cao hơn từ 10 – 15 % so với thời gian trước khi tiếp cận Dự án VnSAT. Hiện nay, quy mô HTX được nhân rộng hơn, ngoài các dịch vụ sản xuất phục vụ nhu cầu nội tại, các HTX còn mở rộng thực hiện các dịch vụ sản xuất. Nổi bật nhất đã có 21/31 HTX thành lập các tổ nhân giống với tổng diện tích 440 ha/năm, năng lực cung ứng trên 6.000 tấn lúa giống chất lượng cao. Trong đó, có 11 HTX đã được đánh giá năng lực và mức độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật đạt ở mức khá cao. Không những vậy, các HTX còn mở rộng các dịch vụ sản xuất trồng trọt (làm đất, sạ lúa, bơm tưới…), các dịch vụ sau thu hoạch (gặt liên hợp, xay xát, thu mua, tiêu thụ nông sản)…

Từ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Dự án VnSAT, năng lực quản lý, sản xuất của các HTX nâng lên đáng kể. Ảnh: Kim Anh.

Từ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Dự án VnSAT, năng lực quản lý, sản xuất của các HTX nâng lên đáng kể. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đánh giá, Dự án VnSAT đã giúp các HTX nằm trong vùng dự án trên địa bàn thành phố phát triển về quy mô sản xuất, định hướng thực hiện các dịch vụ tăng thu nhập cho thành viên. Hơn nữa, Dự án cũng góp phần rất lớn trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, thay đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp bằng các hoạt động thiết thực như phát triển dịch vụ giống, cơ giới, chăm sóc, thu hoạch… dần tiến đến xây dựng thương hiệu gạo cho các HTX.

Những kết quả trên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nông dân trong cải tiến kỹ thuật canh tác, đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt, sự đầu tư của Dự án VnSAT phù hợp với định hướng phát triển HTX kiểu mới, tăng cường dịch vụ phục vụ nông dân; tạo động lực cho phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng và chất lượng cho doanh nghiệp tự tin chào hàng trên thị trường quốc tế.

Thông tin từ Ban quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ, tính đến nay dự án đã thực hiện được 968 lớp đào tạo về công nghệ mới canh tác lúa bền vững với hơn 36.000 lượt nông dân tham gia, trên diện tích 30.000 ha. Đồng thời, thực hiện 261 điểm trình diễn về kỹ thuật canh tác lúa bền vững cho nông dân tham quan học tập và thực hành. Kết quả bước đầu cho thấy đã có trên 80% nông dân được đánh giá áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tỷ lệ tăng lợi nhuận của nông dân khi thực hiện đúng quy trình khuyến cáo từ 32 – 34% so với nông dân ngoài Dự án.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm