Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các vườn quốc gia cần thay đổi tư duy trong phát triển du lịch dưới tán rừng, coi đó cơ hội quảng bá tài nguyên của Việt Nam.
Du lịch dưới tán rừng là để quảng bá nguồn tài nguyên vô cùng quý giá
Hiện, cả nước có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 Vườn quốc gia. Đó là những địa điểm có nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên; và là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam. Và để phát huy được nguồn tài nguyên quý giá này, các vườn quốc gia cần thay đổi tư duy để phát triển du lịch dưới tán rừng.
Ông LÊ MINH HOAN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Nếu mình phát triển du lịch dưới tán rừng để mình nghĩ tới thu nhập thì sẽ bị đụng. Nhưng du lịch là 1 cách để chúng ta giới thiệu được 1 tài sản quý giá thiên nhiên của đất nước. Chúng ta không thể nào tư duy chúng ta đóng lại mà chúng ta phải mở ra. Trước tiên là chúng ta tư duy phát triển du lịch dưới tán rừng là để giới thiệu, quảng bá 1 tài nguyên, 1 cái đặc sắc, 1 cái gì đó.. chúng ta tư duy như vậy.
Và hướng tiếp cận đúng đắn nhất hiện nay là thu hút được sự quan tâm của hơn 100 triệu người dân Việt Nam, cũng như du khách quốc tế đối với nguồn tài nguyên rừng quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
Ông LÊ MINH HOAN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Không phải chúng ta tiếp cận chộp giật để kiếm tiền để nuôi bộ máy. Mà chúng ta tiếp cận làm sao để 1 dòng người khách đến để chiêm ngưỡng, trải nghiệm những thành quả thiên nhiên ban tặng công với thành quả của tất cả con người chúng ta đang giữ gìn, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Trong những năm qua, công tác tổ chức du lịch sinh thái, giáo dục môi trường tiếp tục được các Vườn quốc gia quan tâm, phát triển. 6 tháng đầu năm 2022, lượng du khách không ngừng gia tăng sau khi các hoạt động du lịch được mở cửa trở lại. Théo đó, các vườn đã đón hơn 252.000 du khách, tăng 12% và doanh thu đạt trên 19 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phát triển vùng đệm thông qua các hoạt động khoán bảo vệ, phát triển rừng; thu hút nhân lực, sản phẩm du lịch cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch sinh thái các Vườn Quốc gia cũng đã góp phần tăng thu nhập người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.