Thay vì nuôi dê thả vườn, nhiều hộ dân ở Sóc Trăng chăn nuôi dê theo hướng nuôi nhốt trên chuồng sàn. Hình thức chăn nuôi này giúp hạn chế được rủi ro dịch bệnh cho vật nuôi.
Chuyển đổi chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu
Là vùng đất cồn nằm chắn giữa sông Hậu, Cù Lao Dung là địa phương hàng năm chịu ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập. Bên cạnh ảnh hưởng đến cây ăn trái, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm của địa phương cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Từ thực tế này, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến khích bà con đa dạng hóa thêm đối tượng vật nuôi mới, trong đó con dê là vật nuôi được nhiều hộ ưu tiên lựa chọn do mang nhiều đặc tính nổi trội, chịu được điều kiện khắc nghiệt của thời tiết như nắng nóng, hanh khô.
Ngoài ra, dê là loại vật dễ ăn, nên nông dân có thể tận dụng các phụ phế phẩm trong trồng trọt làm nguồn thức ăn bổ sung cho dê, giúp tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất. Hiện tại giá dê thương phẩm từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi vẫn còn lợi nhuận khá cao sau khi đã trừ chi phí.
Ông NGUYỄN VĂN BÉ - ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: “Giá thấp nhất mình cho là 80.000 đồng/kg, 1 con cũng được 2,4 triệu đồng. Trung bình 50 con được hơn 100 triệu... Ngoài ra mình làm thêm thì cũng sống được…”
Mặc dù có khả năng chống chịu tốt với điều tiết thời tiết khắc nghiệt, nhưng để đạt hiệu quả sản xuất như mong muốn, người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh cho đàn dê theo đúng chỉ dẫn của cơ quan thú y. Cần phải thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên để dê không bị bệnh.
Ông CAO VĂN TRƯỜNG - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: “Phải đảm bảo được nguồn thức ăn tươi xanh và kết hợp với tiêm phòng bệnh…Thực hiện vệ sinh chuồng trại...”
Tại huyện Long Phú, mô hình chăn nuôi dê cũng bắt đầu phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Thay vì nuôi dê thả lan, nhiều hộ có sự đầu tư kĩ lưỡng hơn về mặt chuồng trại, phát triển chăn nuôi dê theo hướng nuôi nhốt trên nhà sàn. Hình thức chăn nuôi này giúp đàn dê hạn chế được rủi ro dịch bệnh khi sinh trưởng và phát triển trong điều kiện môi trường đảm bảo vệ sinh, quá trình vệ sinh, chăm sóc đàn dê cũng thuận lợi hơn. Các biện pháp vệ sinh chuồng trại hay phòng ngừa bệnh trên đàn dê cũng được người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.
Ông TRẦN HUỆ CHÍ - Ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng: “Dê con khi vỗ béo thì mình phải đệm thức ăn thêm khoảng 85% cỏ và 15% thức ăn thì dê mới mau lớn. Chuồng trại thì mình vệ sinh và thường xuyên xịt khử trùng…”
Dê là loài ăn cỏ không kén ăn, nó có thể ăn được đến vài trăm loài cỏ, cây khác nhau. Rơm rạ, lá cây và sản phẩm dư thừa từ nông nghiệp đều có thể cho dê sử dụng. Ngoài ra, độ thích nghi với nước mặn của đối tượng nuôi này cũng rất đáng kể. Dê có thể chịu đựng được độ mặn dưới 7 phần ngàn. Vì vậy, đây là vật nuôi được nhiều địa phương ưu tiên lựa chọn chuyển đổi. Tính đến nay, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh đã phát triển gần 10.000 con, có 3 giống dê phổ biến được lựa chọn để chăn nuôi, gồm: dê Boer, dê bách thảo và dê cỏ địa phương.
Ông NGUYỄN VĂN MƯỜI HAI - Phó trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng): “Dê Boer có nguồn gốc nhập về Việt Nam từ năm 2022...Giống dê này phù hợp với những địa phương có điều kiện khắc nghiệt…”.
Chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn đa dạng, dễ tìm, lợi nhuận kinh tế luôn ở mức có lợi cho người nuôi. Mô hình chăn nuôi dê đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt so với nhiều vật nuôi khác. Cùng với những ưu điểm nổi trội về đặc tính, như: dễ nuôi, sức đề kháng tốt, có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo, nghề chăn nuôi dê nhiều khả năng sẽ còn phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, hình thành thêm sinh kế ổn định cho người dân khu vực nông thôn.