Gần 65.000 tấn vải tươi xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Viện chăn nuôi chuyển giao hơn 4,6 triệu con giống gia cầm trong 6 tháng. Gạo Việt Nam còn nhiều cơ hội tại Anh nhờ hiệp định UKVFTA. Quy mô thị trường phân bón toàn cầu dự kiến 271 tỷ USD năm 2030.
GẦN 65.000 TẤN VẢI TƯƠI XUẤT KHẨU QUA CỬA KHẨU TÂN THANH
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh, từ 1/5 đến 12/7/2022, sản lượng vải quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh đã đạt gần 65 nghìn tấn, tăng 28.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021 với kim ngạch đạt gần 15 triệu USD. Trong số đó, lượng vải quả tươi có nguồn gốc từ Bắc Giang được các thương nhân, doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 70%. Giá nhập vải quả tươi của Trung Quốc trong niên vụ vải 2022 khá ổn định, từ 5 - 5,2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, ngược lại với vải quả tươi, từ 1/5 đến nay, sản lượng vải quả sấy khô xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh chỉ được gần 3.000 tấn với kim ngạch đạt gần 1,2 triệu USD, giảm gần 20 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021.
VIỆN CHĂN NUÔI CHUYỂN GIAO HƠN 4,6 TRIỆU CON GIỐNG GIA CẦM TRONG 6 THÁNG
Chiều 13/7, Viện Chăn nuôi tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện chăn nuôi cho biết, 6 tháng qua, đơn vị đã triển khai 64 nhiệm vụ Khoa học công nghệ, trong đó có, 13 nhiệm vụ cấp nhà nước và 51 nhiệm vụ cấp Bộ. Cùng với đó, Viện đã chuyển giao gần 2,2 triệu con gà giống, 1,7 triệu con vịt giống và hơn 700 ngàn con ngan, ngỗng giống các loại. Các sản phẩm con giống do viện cung cấp cho thị trường đều đảm bảo chất lượng tốt, ổn định về tiêu chí kỹ thuật. Phát biểu tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi đề nghị các nhà khoa học, cán bộ, lãnh đạo Viện chăn nuôi phát huy tốt hơn nữa vai trò nghiên cứu, nhân rộng những giống vật nuôi có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển nền chăn nuôi nước nhà. Bên cạnh đó, Viện Chăn nuôi cần tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để Bộ NN-PTNT phê duyệt kế hoạch giống gốc năm 2023. Cũng như hoàn thiện, đánh giá xây dựng các đề tài về cải tạo con giống của lợn, gia cầm, trâu, bò,…..
GẠO VIỆT NAM CÒN NHIỀU CƠ HỘI TẠI ANH NHỜ HIỆP ĐỊNH UKVFTA
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, khối lượng gạo nhập khẩu vào nước này năm 2021 giảm 15% từ hơn 762.526 tấn (năm 2020) xuống còn 651.803 tấn. Trước sự sụt giảm này, Thương vụ Việt Nam tại Anh khuyến nghị, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ có 0,42%. Dư địa cho gạo Việt Nam còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ Quy chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA). Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành hiện thực thì người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để trên diện rộng Global GAP. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu.
QUY MÔ THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN TOÀN CẦU DỰ KIẾN 271 TỶ USD NĂM 2030
Hãng nghiên cứu Precedence Research dự báo, quy mô thị trường phân bón toàn cầu đạt 201,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ cán mốc 271,6 tỷ USD vào năm 2030. Hơn nữa, Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) dự đoán rằng vào năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Vì thiếu đất canh tác trên khắp thế giới, nông dân đang bị buộc phải sử dụng thêm nhiều phân bón để tăng sản lượng nông nghiệp. Do đó, thị trường phân bón trên quy mô toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh cùng với sự gia tăng của ngành nông nghiệp và trồng trọt... Châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ là phân khúc thị trường phân bón lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục thống lĩnh thị trường phân bón khu vực.