Vườn Quốc gia Cúc Phương xây dựng, vận hành mô hình quản lý, bảo tồn và khai thác du lịch sinh thái để giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ hệ sinh thái rừng.
Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích hơn 22.000 ha nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Đây là nơi có hệ giá trị đa dạng sinh học quý giá với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Cúc Phương còn là bảo tàng thiên nhiên lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Trải qua các giai đoạn phát triển, Cúc Phương đã dần hình thành, xây dựng và vận hành thành công mô hình quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, khai thác du lịch sinh thái nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên.
Ông GARETH O’HARA Giám đốc Lữ hành Á Châu
Chúng tôi đã làm việc với VQG Cúc Phương trong 12 năm và có một chương trình rất ấn tượng với vườn để giúp các học sinh có thể đến đây, trở thành những tình nguyện viên để giúp đỡ các nhân viên của vườn trong việc bảo vệ môi trường. Những du khách, học sinh sau khi đến Cúc Phương đều cảm thấy rất ấn tượng. Những chuyên gia, cán bộ của vườn rất tuyệt vời, họ thân thiện và có rất nhiều kiến thức về tự nhiên về động vật, thực vật và sẵn sàng giúp đỡ du khách hiểu thêm về những điều đó.
Ông LÊ TRỌNG ĐẠT
Phó giám đốc TT cứu hộ, bảo tồn & phát triển sinh vật VQG Cúc Phương
Trước hết gắn với bảo tồn thì nhận thức của cộng đồng và khách du lịch sẽ được nâng cao lên 1 bước. Thứ 2 là người ta sẽ biết qua tuyên truyền giáo dục về bảo tồn thì hiểu khai thác du lịch, hưởng thụ du lịch như thế nào cho an toàn, thân thiện và bền vững nhất, để lại ít hậu quả đối với môi trường thiên nhiên cũng như các loại động vật.
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh phát triển du lịch cần đề cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách, tránh làm ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên của hệ động, thực vật tại Vườn. Mặt khác, người dân khu vực vùng đệm cũng cần được đào tạo kỹ năng cơ bản để làm dịch vụ, du lịch....
Ông PHẠM DUY PHONG
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnhNinh Bình
Hoạt động du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị rừng còn nhiều rào cản. Thứ nhất là bởi nó ở trên diện tích rộng, ảnh hưởng tới cư dân địa phương cũng như là sự phối kết hợp giữa chính quyền, địa phương các cấp. Và trong những năm gần đây chúng tôi đã triển khai 1 số hoạt động, trong đó có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như của mỗi người dân. Chúng tôi cũng hi vọng trong thời gian tới loại hình du lịch này sẽ phát triển.
Với sự đa dạng về hệ động, thực vật cùng bề dày của công tác quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn tại Vườn. Nhờ vậy mà Vườn Quốc gia Cúc Phương đã được quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á 4 năm liên tiếp. Tuy nhiên, để vận hành, khai thác tốt hơn loại hình du lịch này, Vườn Quốc gia Cúc Phương vẫn sẽ còn nhiều việc phải hoàn thiện.