Gắn sản xuất các bon thấp với sản phẩm giá trị kinh tế cao. Quảng Ninh sớm quy hoạch chiến lược nuôi biển công nghiệp. Bắc Giang xuất khẩu gần 4.000 tấn vải thiều sớm. Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng 54%.
GẮN SẢN XUẤT CÁC BON THẤP VỚI SẢN PHẨM GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO
Sáng nay (7/6), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo xây dựng đề xuất Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp và tăng trưởng xanh do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì với sự tham dự của Đại diện Ngân Hàng Thế giới và một số địa phương dự kiến tham gia dự án. Theo ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới, sản xuất nông nghiệp sinh ra 19% tổng lượng khí thải, trong đó lúa gạo góp khoảng một nửa lượng khí thải của ngành và hơn 70% lượng khí thải metan. Ngân hàng thế giới đề xuất 3 hợp phần gồm: Thúc đẩy các hoạt động sản xuất các bon thấp và thích ứng với khí hậu; Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị và logistics, dịch vụ nông nghiệp và Phát triển thị trường cho các sản phẩm xanh và các bon thấp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, phát triển thị trường cho sản phẩm xanh và các bon thấp là hợp phần mới, thiết thực, gắn sản xuất các bon thấp với sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường.
QUẢNG NINH SỚM QUY HOẠCH CHIẾN LƯỢC NUÔI BIỂN CÔNG NGHIỆP
Phát biểu tại cuộc họp với Hiệp hội nuôi biển Việt Nam về phát triển nuôi biển tại Quảng Ninh sáng 7/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, tỉnh này có nhiều lợi thế như có đường bờ biển dài, diện tích eo biển, bãi triều lớn cùng với đó là du lịch, vận tải phát triển. Tuy nhiên, ngành nuôi biển tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp. Hạ tầng thủy sản trong nhiều năm không được quan tâm đúng mức, quy hoạch và hoạt động quy hoạch chưa tốt. Cùng với đó là ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, khó phát triển một cách đồng bộ. Để ngành nuôi biển đạt hiệu quả, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thuỷ sản cùng ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh sớm xây dựng quy hoạch và chiến lượng nuôi biển làm tiền đề xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển như giống, thức ăn, môi trường, lồng nuôi …
BẮC GIANG XUẤT KHẨU GẦN 4.000 TẤN VẢI THIỀU SỚM
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 5/6, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 13,4 nghìn tấn vải thiều sớm. Trong đó có gần 4 nghìn tấn vải được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc với gần 3,9 nghìn tấn, còn lại là Campuchia, Nhật Bản, EU… Hiện, bình quân mỗi ngày có hơn 50 ô tô vải thiều Bắc Giang được thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn sang Trung Quốc. Trà vải sớm của Bắc Giang có diện tích hơn 6,7 nghìn ha, sản lượng ước đạt 55 nghìn tấn, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 5 đến 15/6, giá bình quân dao động từ 22 đến hơn 30 nghìn đồng/kg. Trà vải chính vụ diện tích hơn 21,5 nghìn ha, đang trong giai đoạn phát triển cùi - tròn quả. Tổng sản lượng ước khoảng 135 nghìn tấn, dự kiến thời gian thu hoạch từ ngày 15/6 - 25/7/2022.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ TĂNG 54%
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 150.000 tấn, kim ngạch 343 triệu USD, giảm 4,7% về lượng và giảm 5,4% về kim ngạch so với tháng 4/2022. Tuy nhiên vẫn tăng 15,2% về lượng và tăng 40,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 889.000 tấn, kim ngạch trên 2 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 54% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Hiện, Việt Nam là quốc gia trồng cà phê robusta nhiều nhất thế giới để sử dụng trong đồ uống uống liền và cà phê espressos. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam có khả năng chiếm gần 1/5 tổng lượng cà phê được trồng trên thế giới trong giai đoạn 2021-2022 với sản lượng hơn 31 triệu bao loại 60kg/bao.