Nghỉ việc lương nghìn đô vượt cả nghìn km đi học nghề nuôi hươu
Mới đây, tại xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) vừa ra đời HTX Hươu sao Tây Nam Bộ. Hiện HTX đang chăn nuôi đàn hươu sao trên 50 con lấy nhung và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu, lớn nhất tại ĐBSCL. Theo chia sẻ, đây cũng là mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi hươu thương phẩm và chế biến các sản phẩm từ nhung hươu đầu tiên ở khu vực ĐBSCL.
Anh Nguyễn Hoàng Việt (31 tuổi) ở ấp Phú Thạnh A (xã Phú Kiết) được biết đến là thành viên nòng cốt sáng lập và cũng đang giữ cương vị Giám đốc HTX. Trao đổi với chúng tôi về mô hình chăn nuôi mới mẻ này, anh Việt thổ lộ: Anh vốn là nhân viên marketing cho một doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng.
Qua những lần đi công tác tại các tỉnh miền Đông Nam bộ anh biết đến mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Vốn gốc nhà nông, sẵn máu đam mê kinh doanh anh quyết định đem con hươu sao về đất Tiền Giang từ năm 2019.
Trước đó, anh không ngần ngại ra trại hươu sao ở Hà Tĩnh xin ở lại 1 tháng để tìm hiểu và học nghề chăn nuôi. Khi thành thạo các kỹ thuật nuôi, lấy nhung, anh mua 15 con hươu trưởng thành về xây chuồng chăn nuôi tại đất vườn của gia đình. Qua nuôi thử nghiệm anh thấy con hươu phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Đàn hươu của anh Việt chóng lớn và sau 8 tháng cho thu hoạch nhung. Hươu cái sau 7 tháng nuôi cũng sinh sản đạt yêu cầu.
Anh Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ: “Mình nhận thấy con hươu có nhiều ưu điểm khi đưa vào miền Tây. Hươu là động vật bán hoang dã nên sức đề kháng cao, ít bệnh nên chi phí về thú y rất ít. Thức ăn cho hươu đa dạng và sẵn có tại địa phương. Hầu như, loại cỏ nào hươu cũng ăn được.
Quan trọng nhất, đầu ra của nhung hươu tiềm năng bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khoẻ của mình. Nhung hươu có tác dụng bổi bổi cơ thể, phù hợp cho tất cả các đối tượng tiêu dùng nên thị trường tiêu thụ rộng. Từ đó, mình quyết định đưa con hươu sao về miền Tây cho bà con chăn nuôi”.
Theo chia sẻ của anh Việt, đối với mô hình chăn nuôi hươu sao, chi phí nặng nhất là tiền mua con giống. Người nuôi cần bỏ khoảng 50 triệu cho mỗi cặp hươu giống; trong đó, hươu đực là 30 triệu, hươu cái 20 triệu. Còn chuồng trại chăn nuôi nhẹ nhàng hơn, người nuôi có thể tận dụng chuồng heo, chuồng bò cũ có mái che cải tạo lại để tiết kiệm chi phí.
“Để mô hình nuôi hươu sao đạt hiệu quả, người nuôi phải đảm bảo được nguồn cỏ tươi đầy đủ quanh năm. Chuồng trại phải xây dựng đúng kỹ thuật, mỗi con hươu xây chuồng tối thiểu là 2x2m. Chuồng trại khô ráo, sạch sẽ mới ít dịch bệnh. Đặc biệt, giai đoạn hươu lên nhung phải được bồi bổ thức ăn tinh để chất lượng và trọng lượng nhung đạt cao, bán được giá”, anh Nguyễn Hoàng Việt cho biết thêm.
Nuôi một con hươu, sau 3 năm nuôi có thể hoàn vốn, thời gian khai nhung có thể kéo dài đến 15 năm. Đối với hươu già có thể sử dụng thịt để làm khô, xương nấu cao. Trong quá trình chăn nuôi hươu ăn cỏ tươi, hoàn toàn không tốn tiền thức ăn công nghiệp. Về lợi nhuận, trung bình mỗi con hươu sẽ cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/năm từ tiền bán nhung. Năm 2021, từ chăn nuôi hươu, anh Hoàng Việt đã có nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Thành lập HTX nuôi hươu lớn nhất ĐBSCL
Mới đây, anh Nguyễn Hoàng Việt vận động bạn bè, người quen góp vốn 1 tỷ đồng thành lập HTX để mở rộng mô hình chăn nuôi hươu sao và đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để thu mua sản phẩm cho các thành viên.
Anh chia sẻ định hướng của HTX Hươu sao Tây Nam Bộ là tập trung quảng bá và mở rộng mô hình chăn nuôi, liên kết với bà con nông dân ở vùng ĐBSCL. Hợp tác xã sẽ liên kết và mở rộng mô hình nuôi hươu sao trong khu vực và nâng cao năng lực chế biến ra 4 sản phẩm có giá trị như: nhung hươu ngâm mật ong, bột nhung hươu, cao nhung hươu và rượu nhung hươu.
Hiện nay, tại trang trại chính của HTX có 30 con hươu sao đang được nuôi. Theo chia sẻ, đây là mô hình chuẩn để bà con có thể tới tham quan học tập kinh nghiệm và phát triển chăn nuôi.
“Mục tiêu lớn nhất của HTX là sẽ chế biến sâu các sản phẩm bồi bổ sức khỏe từ nhung hươu, sắp tới sẽ tham gia chương trình OCOP để nâng cao giá trị thương hiệu và tìm kiếm, mở rộng thị trường. Sau khi có những sản phẩm đạt chuẩn, HTX sẽ xây dựng các kênh phân phối thông qua các đại lý, nhà phân phối ở các tỉnh; đồng thời, phân phối trên các sàn thương mại điện tử”, anh Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc HTX Hươu sao Tây Nam Bộ chia sẻ .
Nói về mô hình nuôi hươu sao mới mẻ tại địa phương, anh Võ Tấn Hoàng, Bí thư Đoàn xã Phú Kiết chia sẻ: “Mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Việt rất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa phương. Đoàn Thanh niên xã Phú Kiết đã tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên đi tham quan để mở rộng mô hình, tạo điều kiện tiếp cận và học hỏi để nhân rộng mô hình này”.
Anh Huỳnh Phú Thái ở xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo đã có quá trình học hỏi kỹ thuật và mua hươu giống của anh Nguyễn Hoàng Việt trở về khởi nghiệp. Anh Thái cho biết, nuôi 1 con hươu sao sẽ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Sau 1,5 năm nuôi, hiện tổng đàn hươu của gia đình Thái đã lên đến mười mấy con cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bò. Chi phí thức ăn, công chăm sóc cũng giảm đi nhưng đầu ra rất ổn định nên có thể gắn bó với mô hình này lâu dài.
Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 172 HTX Nông nghiệp, trong đó HTX Hươu sao Tây Nam bộ là mô hình sản xuất kinh doanh mới, rất độc đáo và có nhiều triển vọng.