Giá phân bón giảm sâu tới 1 triệu đồng/tấn. Nghêu là thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang EU. Ngư dân khó khăn do giá xăng dầu tăng phi mã. Thiếu lao động thu hái hồ tiêu.
Giá phân bón giảm sâu tới 1 triệu đồng/tấn
Giá một số mặt hàng phân bón hiện đã giảm sâu từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tấn so với thời điểm trước Tết Nhâm Dần. Nguyên nhân chính khiến giá phân bón trong nước giảm là do ảnh hưởng từ giá urê trên thị trường thế giới.
Trong 1 tháng trở lại đây, giá Urea thế giới đã giảm liên tục 300 - 400 USD/tấn, hiện đã xuống dưới 600 USD, từ đó kéo giá urê trong nước giảm còn 16 - 17 triệu đồng/tấn.
Trái ngược với giá urê, giá DAP và Kali vẫn neo ở mức cao và không có dấu hiệu giảm, thậm chí tăng nhẹ do chính sách hạn chế xuất khẩu DAP của Trung Quốc. Tham chiếu giá DAP thế giới hiện tại, nếu nhập khẩu về Việt Nam, sau khi tính đủ thuế nhập khẩu và phòng vệ thương mại, giá bình quân vẫn ở mức cao trên 23 triệu đồng/tấn.
Nghêu là thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang EU
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – VASEP, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang Liên minh châu Âu - EU tăng 37%, đạt 87 triệu USD, với 78 triệu USD nhờ xuất khẩu sản phẩm nghêu, tăng 42% so với 2020. Nghêu hiện là loại thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường này. Trong đó, xuất khẩu nghêu sang 3 thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều tăng từ 38 - 44%.
Sau chiến dịch tiêm phòng và gói kích thích kinh tế từ đầu năm, nhu cầu thủy sản tại EU hồi phục rõ rệt, cùng với lợi thế thuế quan từ hiệp định thương mại tự do EVFTA là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022.
Ngư dân khó khăn do giá xăng dầu tăng phi mã
Trong hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu tăng liên tục tăng phi mã hơn 3.000 đồng/lít khiến nhiều ngành nghề gặp nhiều khó khăn, trong đó có ngành đánh bắt, khai thác hải sản.Theo bà con ngư dân, chi phí xăng dầu hiện chiếm một nửa kinh phí của một chuyến biển. Giá xăng dầu tăng mạnh, nhưng giá hải sản tăng không theo kịp nên ngư dân gần như không còn lời để trang trải các chi phí khác.
Không chỉ với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản cũng gặp nhiều thách thức do giá thành xuất khẩu sản phẩm vẫn ở mức thấp, trong khi giá USD đang giảm mạnh, lãi suất vay ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng khiến doanh nghiệp càng thêm điêu đứng.
Thiếu lao động thu hái hồ tiêu
Theo các hộ dân trồng hồ tiêu tại phía Nam, dù giá một ngày công lao động đã tăng từ 180.000 đồng lên 220.000 đồng nhưng vẫn khan hiếm lao động thu hái sau Tết Nhâm Dần. Lý giải nguyên nhân thiếu công thu hoạch, các nhà vườn cho biết do mùa chăm sóc điều sau thu hoạch trùng thời điểm chính vụ tiêu nên nhiều lao động hái tiêu chọn ưu tiên việc nhà trước.
Bên cạnh đó, nhân công hái tiêu những năm trước không mặn mà với việc làm thuê theo thời vụ vì thu nhập thiếu ổn định nên nhiều người đã chọn đi làm tại các công ty, xí nghiệp hoặc làm công nhân cao mủ cao su ổn định hơn. Việc thu hoạch không kịp thời có thể dẫn đến năng suất, sản lượng và chất lượng tiêu giảm nên cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo bà con không nên để tiêu tự rụng vào bạt lót như cách làm hiện nay bởi sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và làm suy yếu cây tiêu rất trầm trọng.
* Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022.
* Từ ngày 18/2, công dân khi đi làm các thủ tục hành chính không cần mang giấy khai sinh, đăng ký kết hôn bản giấy mà dùng dữ liệu điện tử, có mã QR Code.
* Theo thống kế của Bộ Y tế, 19,2% bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam là trẻ em.
* Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn.