Xuất khẩu nông sản thu về hơn 5 tỷ USD từ đầu năm đến nay; Đồng Nai thu hút đầu tư vào cây, con giống; Giá sắn thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; Cảng cá 124 tỷ đồng chưa phát huy hết công năng.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN THU VỀ HƠN 5 TỶ USD TỪ ĐẦU NĂM ĐẾN NAY
Theo Cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam đạt 7,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu, tính đến 15/3, Việt Nam thu về 5,28 tỷ USD, tương ứng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 2,28 tỷ USD, tăng tới 41,9% so với mức 1,6 tỷ USD tại cùng kỳ năm trước, đây cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm. Hạt tiêu là mặt hàng thứ hai có mức tăng trưởng dương trong kỳ về kim ngạch với 39,7%, lên mức 243 triệu USD.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn, rau quả, gạo và chè giảm so với cùng kỳ.
ĐỒNG NAI THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÂY, CON GIỐNG
(Minh Sáng sx)
Theo Sở Nông nghiệp và môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây con giống phục vụ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi năm bình quân Đồng Nai cung ứng ra thị trường gần 11 ngàn tấn hạt giống; 236 triệu cây giống; 40 triệu gia cầm giống; 72 triệu con giống thủy sản... Với nguồn cây con giống này không chỉ cung cấp cho hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh, mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước và cả thị trường xuất khẩu. Giống được xem là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Việc nghiên cứu, đầu tư sản xuất giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Đến nay, có 95% đàn gia súc, gia cầm sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật; đồng thời 100% diện tích trồng mới và tái canh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều được sử dụng giống mới chất lượng cao.
TÂY NINH: GIÁ SẮN THẤP NHẤT TRONG 10 NĂM TRỞ LẠI ĐÂY
Trần Trung sản xuất
Tây Ninh có diện tích trồng sắn hơn 61.000ha, đứng thứ 2 cả nước. Hiện sắn Tây Ninh chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, nhiều hộ trồng bắt đầu lo lắng vì giá thu mua sắn hiện thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo bà con hiện giá sắn tươi được các lò thu mua từ 1.900 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg với sắn đủ 30 điểm, sắn càng ít điểm giá mua càng thấp. Giá sắn khô hiện nay khoảng 3.600 đồng/kg. Nếu giá này kéo dài, nông dân trồng sắn khó có lãi sau khi thu hoạch.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá sắn tụt đáy trong 10 năm qua, trong đó, nguyên nhân chính là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, hiện tại giá ngô xuống thấp, các nhà máy chế biến tại Trung Quốc tăng cường sử dụng ngô thay thế sắn lát, dẫn đến nhu cầu sắn lát giảm mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, ngành sắn cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường khác. Bên cạnh đó, có thể xem xét chuyển đổi sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại để giảm thiểu rủi ro tài chính.
CẢNG CÁ 124 TỶ ĐỒNG CHƯA PHÁT HUY HẾT CÔNG NĂNG
(Ngọc Linh – Việt Khánh thực hiện)
Cảng cá Cửa Hội thuộc sự quản lý của Ban quản lý Cảng cá Nghệ An. Cảng được đầu tư, xây dựng từ năm 1999, đến năm 2014 tiếp tục được nâng cấp và chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2019 với tổng diện tích 34.600 m2. Tổng kinh phí xây dựng, duy tu của công trình này hơn 124 tỷ đồng.
Dù mức đầu tư “khủng” nhưng cảng này chưa phát huy được hết công năng như kỳ vọng. Xoay quanh nội dung này, Sở NN-PTNT Nghệ An (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định luồng lạch vào cảng ngày càng bị bồi lắng nghiêm trọng gây cản trở không nhỏ quá trình xuất, nhập của các tàu công suất lớn. Ngoài ra, nguồn lợi đánh bắt suy giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến cảng cá Cửa Hội vắng bóng tàu thuyền…
Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, Sở NN-PTNT đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương phối hợp triển khai khảo sát, đánh giá, tìm giải pháp khắc phục, đồng thời có phương án nạo vét để tàu cá thuận lợi ra vào, từ đó tăng năng lực, công suất của cảng Cửa Hội.