Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2022 sẽ đạt 53 tỷ USD. Công ty Amafam nhập 100 lợn cụ kỵ Duroc Đài Loan. Kon Tum lần đầu tổ chức chợ phiên dược liệu - gia súc. Giá tiêu tăng 1.500 đồng/kg sau 2 ngày.
Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2022 sẽ đạt 53 tỷ USD
Chiều 30/11, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 11 và 11 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12/2022. Sau 11 tháng,xuất khẩu nông sản đã đạt khoảng 49 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%; thặng dư 7,82 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu nông sản 11 tháng năm 2022 đã vượt con số kỷ lục của năm 2021 là 48,6 tỷ USD. Dự kiến đến hết năm 2022, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp sẽ đạt mức trên 53 tỷ USD. Phân tích thêm về thị trường cuối năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hàng năm, mức tăng trưởng của các mặt hàng nông sản sẽ tăng mạnh vào tháng 11, tháng 12 do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao dịp lễ hội cuối năm. Tuy nhiên trong năm 2022, do lạm phát toàn cầu nên sức tiêu dùng giảm, thị trường sẽ kém sôi động hơn. Do đó, Bộ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp cần tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, không để bị động trước những khó khăn được dự báo trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
CÔNG TY AMAFAM NHẬP 100 LỢN CỤ KỴ DUROC ĐÀI LOAN
Chiều tối 30/11 tại Hà Nội, 100 con lợn giống cụ kỵ Duroc Đài Loan do Công ty TNHH MTV giống vật nuôi Amafam nhập khẩu chính thức về tới sân bay Quốc tế Nội Bài. Theo lãnh đạo Công ty giống vật nuôi Amafam, lô lợn giống cụ kỵ này là giống siêu có chất lượng hàng đầu thế giới hiện nay khi được ví như lực sĩ nhờ sở hữu thân hình cơ bắp, đầu nhỏ, da mỏng, lông thưa, chân nhỏ, tỉ lệ nạc cao, tỷ lệ xẻ thịt đạt 77%. Đặc biệt, giống lợn này khi nuôi đến trọng lượng hơn 1,3 tạ, tỷ lệ nạc vẫn rất cao. Lô lợn giống cụ kỵ này sau khi trải qua các bước kiểm dịch động vật và cách ly theo quy định đang được vận chuyển về Công ty giống vật nuôi Amafam tại Hải Dương để thực hiện các bước nhân giống và xuất bán ra thị trường góp phần cung ứng nguồn giống lợn ông bà, bố mẹ cho các trang trại tái đàn chăn nuôi.
KON TUM LẦN ĐẦU TỔ CHỨC CHỢ PHIÊN DƯỢC LIỆU-GIA SÚC
Nhằm giới thiệu, quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu trên địa bàn đến người tiêu dùng, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức Chợ phiên Dược liệu-Gia súc biên giới từ ngày 2 đến ngày 3/12. Đây là lần đầu tiên có một phiên chợ gia súc trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chợ phiên được tổ chức với quy mô khoảng 30-40 gian hàng trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP dược liệu đặc trưng; hệ thống chuồng trại để tập kết, nuôi nhốt gia súc… của 12 xã, thị trấn thuộc huyện Đăk Glei; cùng các gian hàng của 9 huyện, thành phố và các đơn vị kinh doanh, sản xuất khác của các tỉnh thành lân cận tham gia.
GIÁ TIÊU TĂNG 1.500 ĐỒNG/KG SAU 2 NGÀY
Giá tiêu trong nước ngày 30/11 tiếp tục tăng thêm 500 đồng/kg và đang được thu mua ở mức 60.000 - 63.000 đồng/kg. Theo đó, chỉ sau 2 ngày tăng giá liên tiếp, giá tiêu trong nước đã tăng tới 1.500 đồng/kg và vẫn đang giữ mốc 63.000 đồng/kg. Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho thấy, giá tiêu nước khởi sắc nhờ nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trở lại. Trong tháng 10, Trung Quốc mua gần 4.000 tấn hạt tiêu từ Việt Nam. Dự kiến, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh mua hồ tiêu để bù đắp cho lượng hàng bị thiếu hụt trong suốt thời gian thực hiện chính sách “Zezo Covid” kéo dài.