Phát biểu tại Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp” ngày 22/11, ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành cho rằng, để nâng cao và duy trì chất lượng nông sản ổn định, nông dân cần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp. Qua đó, giúp quá trình sản xuất trở nên chính xác và đảm bảo được các tiêu chuẩn của thị trường, hạn chế được sai sót của con người.
Ông Nguyễn Đức Trường lấy ví dụ, việc ứng dụng máy bay không người lái đa chức năng trong canh tác lúa giảm phát thải sẽ giúp các hoạt động gieo giống, rải phân bón, phun thuốc BVTV được thực hiện chính xác đến từng phút. Từ đó, giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV vượt quá ngưỡng cho phép, điều mà con người khó hoàn thành chính xác.
"Bên cạnh việc sử dụng máy bay nông nghiệp đa chức năng, hệ thống quản lý phân bón, thuốc BVTV thông minh cũng giúp nông dân nắm bắt tình trạng sử dụng thuốc BVTV, phân bón, lượng giống, sâu bệnh hại 24/7 và có sự điều chỉnh phù hợp nếu các thông số kỹ thuật vượt quá ngưỡng cho phép", ông Nguyễn Đức Trường chia sẻ.
Còn theo ông Henry Bùi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ, chất lượng và thông tin truy xuất nguồn gốc chính là "giấy thông hành" cho xuất khẩu nông sản. Hiện nay, sau 15 năm hoạt động, Công ty Hoàn Vũ đang sở hữu những kỹ thuật để phân tích, xác định chất lượng, truy xuất được nguồn gốc nông sản bằng công nghệ phân tử, cụ thể là thông qua các đồng vị bền.
"Kỹ thuật phân tích đồng vị bền cho phép phân tích thành phần đồng vị bền của các hợp chất cụ thể, giúp thăm dò sâu hơn vào các quy trình cơ bản chịu trách nhiệm về thay đổi môi trường hoặc sinh thái ở cấp độ phân tử", ông Henry Bùi nói.
Khi ứng dụng công nghệ này, Hoàn Vũ có thể xác định được dấu vết của đường trong mật ong, nguồn gốc hữu cơ của thanh long, các chất pha thêm vào nước ép trái cây, phân biệt tôm sú nuôi với tôm sú tự nhiên hay xác định phân bón sử dụng có phải hữu cơ hay không. Với những khả năng nói trên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ khẳng định, kỹ thuật phân tích đồng vị bền mở lối cho kỷ nguyên xác thực nguồn gốc nông sản và tất cả các chủng loại thực phẩm.
Tại Diễn đàn, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Unifarm Bình Dương đã có những chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất nông sản chất lượng cao chinh phục thị trường khó tính và cách thức liên kết, hợp tác với trang trại, nông hộ vệ tinh cùng phát triển bền vững.
Theo ông Liêm, để sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính, khâu đầu tiên là người dân cần phải biết trồng cây gì.
“Muốn chọn lựa được sản phẩm để sản xuất, cần tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường. Chúng ta sản xuất những thứ mà thị trường cần chứ không sản xuất ra những thứ mà ta có thể làm. Một sản phẩm được chọn phải vừa có thế mạnh để cung ứng tại thị trường trong nước, vừa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu”, ông Phạm Quốc Liêm chia sẻ.
Bước thứ hai, sau khi xác định được sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu, ông Phạm Quốc Liêm cho rằng cần phải có kế hoạch, giải pháp cạnh tranh với các quốc gia đang sản xuất sản phẩm đó. Không nên sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể mà phải xác định sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó.
“Sau khi thành công và đạt được những thành quả nhất định, từ những kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ thực tế, Công ty Unifarm Bình Dương đã đào tạo cho người dân thông qua việc hợp tác với các trang trại, nông hộ, các HTX. Từ đó hướng tới việc liên kết, hợp tác với trang trại, nông hộ vệ tinh cùng phát triển bền vững”, ông Phạm Quốc Liêm cho biết.