Xây dựng “ngân hàng cát” và giải pháp vật liệu thay thế là những phương án được các chuyên gia, tổ chức quốc tế tính đến để quản lý cát bền vững ở ĐBSCL.
Khai thác cát quá mức, thiếu bền vững là một trong những nguyên nhân làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trở nên trầm trọng hơn ở vùng ĐBSCL.
Thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127 km.
Tại buổi tọa đàm “Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông”, các chuyên gia nhấn mạnh việc khai thác cát không bền vững như hiện nay, đang tác động không nhỏ đến hình thái của hai dòng sông chính ở ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu.
Ông NGUYỄN HỮU THIỆN - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL: “Cát chính là sinh thái, cát chính là duy trì lãnh thổ và cát chính là vật liệu xây dựng, nhưng mà hiện nay chúng ta quản lý cát chỉ như là vật liệu xây dựng. Chi phí khi mà khai thác cát chúng ta không tính hết, cát rất là quan trọng nhưng mà chúng ta chỉ có Luật Khoáng sản thôi. Chúng ta khai thác cát theo cái gọi là trữ lượng, chúng ta khai thác hết. Như vậy chúng ta quên tính những vai trò duy trì bờ sông, bờ biển”.
Các kết quả khảo sát, đo đạc thực địa trên các dòng sông vào các tháng mùa khô vừa qua, thuộc Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và các cơ quan liên quan thực hiện cho thấy, lượng cát đổ về “mỏ cát” lớn nhất ĐBSCL tại Tân Châu (An Giang) chỉ khoảng 7 triệu tấn/năm. Nếu trữ lượng khai thác vượt quá con số này sẽ tạo ra các hố sâu ở lòng sông, thay đổi vận tốc dòng chảy. Hệ quả cuối cùng là tình trạng sạt lở bờ sông.
Ông HÀ HUY ANH – Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL: “Thay vì khai thác cát dựa vào trữ lượng cát có ở đáy sông, chúng ta cần xem xét việc khai thác cát dựa vào lượng cát đổ về, gọi là ngân hàng cát để đảm bảo lượng cát đó có thể bồi lắp ngay những hố xoáy. Tuy nhiên vấn đề cát hiện tại chúng ta vẫn phải phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta vẫn phải đầu tư cho những công trình quan trọng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thời gian tới chúng ta vẫn phải sử dụng cát sông. Tuy nhiên các tỉnh cùng với các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu thúc đẩy, phát triển vật liệu thay thế ”.
Hiện nay, việc phát triển các vật liệu thay thế cát sông là vấn đề còn mới ở Việt Nam. Tổ chức WWF-Việt Nam đang cùng tư vấn quốc tế thực hiện nghiên cứu và sẽ công bố vào tháng 4/2023.
Quan trọng hơn là việc xây dựng “ngân hàng cát” để cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về ĐBSCL từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác và lượng cát đổ ra biển. Để đảm bảo việc quản lý, khai thác cát trở nên bền vững hơn.