| Hotline: 0983.970.780

Khai thác cát khiến nhiều diện tích cây trồng bị sạt lở nghiêm trọng

Thứ Ba 01/11/2022 , 09:58 (GMT+7)

Việc khai thác cát dưới lòng suối đã khiến nhiều diện tích đất, cây trồng của người dân bị sạt lở. Chính quyền thừa nhận nhưng cho rằng khó xử lý.

z3840114993048_30bd3830b7895aacc86b32ea466eb730

Nhiều diện tích cây trồng bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh.

Những ngày qua, nhiều hộ dân tại làng Kon Sơ Lăng (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) phản ánh về việc đất đai, cây trồng của gia đình bị sạt lở do khai thác cát của các doanh nghiệp.

Cụ thể, khi doanh nghiệp khai thác cát dưới lòng suối Đăk Tơ Ver khiến nhiều diện tích cây trồng nằm dọc 2 bên suối bị sạt lở rất nghiêm trọng. Từ đó, diện tích cây trồng từ đó cũng dần bị thu hẹp khiến nhiều hộ dân hoang mang, lo lắng. Theo nhiều hộ dân, nếu không dừng tình trạng khai thác cát, chỉ trong thời gian ngắn nữa diện tích cây trồng của họ sẽ bị cuối trôi hết theo dòng nước.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại con suối Đăk Tơ Ver (làng Kon Sơ Lăng) nhiều diện tích đất trồng cây của người dân bị sạt lở sâu dưới lòng đất, nguy cơ ngày càng lan rộng nếu không thực hiện kè chắn. Nghiêm trọng hơn, việc sạt lở cũng đang đe dọa một số ngôi nhà của người dân dọc con suối Đăk Tơ Ver.

z3840032758280_5bf6b5f82a8e3786a87a2ab011b7aa08

Tình trạng sạt lở đất trồng cây của người dân một phần do khai thác cát. Ảnh: Tuấn Anh.

Cách khu vực sạt lở không xa, một bãi khai thác cát khổng lồ đang hoạt động. Bên cạnh đó là chiếc máy nổ đang thực hiện việc hút cát rầm rộ khu vực nơi đây. Cũng tại vị trí này, hàng loạt điểm sạt lở, nhiều diện tích cây trồng bị nhấn chìm dưới dòng suối.

Ông Ngaoh (làng Kon Sơ Lăng) ngao ngán cho biết, tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào diện tích cây trồng của gia đình hàng chục mét và sẽ còn lan rộng. Tại đây, nhiều diện tích đất thỉnh thoảng lại đổ ụp xuống lòng suối, rất nguy hiểm.

“Gia đình nhà tôi có trồng được hơn 100 cây cà phê thì hiện 50 cây cà phê đã bị sạt lở, cuốn trôi theo dòng nước. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có biện pháp để ngăn tình trạng sạt lở để người dân ổn định cuộc sống”, ông Ngaoh cho biết.

z3840032757032_f920ae8a25ec7712be572cfdd62c3125

Nhiều cây cà phê của gia đình ông Ngaoh bị cuốn trôi theo dòng nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự,  diện tích đất trồng cây và nhà cửa gia đình ông Yơih (làng Kon Sơ Lăng) cũng đang bị sạt lở khiến cuộc sống rất bất an. Theo đó, nhiều diện tích cây khoai mì, vườn chuối bị cuốn trôi xuống suối. Thậm chí, dòng nước chảy xiết ăn sâu vào chân bờ suối khiến nhiều vị trí bị hở hàm ếch, đất đổ sập xuống suối. Đến nay, tình trạng sạt lở đã tiến sâu hàng trăm mét vào trong phần đất của gia đình của ông Yơih. Mới đây, một mảng đất lớn đổ ầm xuống suối, ông Yơih phải lấy các cây cột lại thành hàng rào dựng tạm tại nơi sạt lở.

“Chúng tôi yêu cầu đơn vị khai thác cát phải sớm đền bù, đồng thời thực hiện gia cố 2 bên bờ suối để đảm bảo an toàn cho các hộ dân”, ông Yơih chia sẻ.

Trước tình trạng sạt lở do khai thác cát, ông Trương Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết, xã đã nhận đơn của các hộ dân thuộc làng Kon Sơ Lăng về việc tại các vị trí nằm dọc suối Đăk Tơ Ver đất đai, hoa màu bị sạt lở.

Theo đó, có rất nhiều vị trị bị sạt lở, phần lớn nằm trong khu vực khai thác cát của Công ty TNHH Thanh Tịnh Hà Tây được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác khoáng sản. Nguyên nhân sạt lở do mưa to nước chảy lớn thúc vào chân bờ đất, công với việc khai thác cát làm tụt hẫng chân bờ đất, gây sạt lở đất dọc hai bên suối.

“UBND xã đã đề nghị Công ty TNHH Thanh Tịnh Hà Tây gặp trực tiếp các hộ dân bị sạt lở đất, hoa màu để thỏa thuận hỗ trợ đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn chưa có động thái gì để hỗ trợ cho người dân. Trong thời gian tới, nếu Công ty không thực hiện, chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này lên UBND huyện Chư Păh để có hướng xử lý'', ông Toàn cho biết. 

z3840032785535_94bea687b96e5fb84570c8e3cc9ee3ea

Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Xuân Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Păh cho biết, chúng tôi chưa nghe xã báo cáo về vụ việc này. Tuy nhiên, nếu việc này trong thẩm quyền của xã thì để xã xử lý, còn nếu ngoài thẩm quyền thì xã đề nghị lên UBND huyện để chỉ đạo các phòng ban chuyên môn xử lý.

Trước tình trạng khai thác cát làm sạt lở đất của người dân, ông Dũng thừa nhận, việc cho phép các công ty khai thác cát sẽ nảy sinh một số bất cập mà huyện cũng khó xử lý. Chẳng hạn, theo quy định, mỏ khai thác cát từ điểm đầu đến điểm cuối cách khoảng 500m đã đánh giá tác động môi trường, nếu bị hư hại thì công ty phải khắc phục, đền bù. Còn nếu xảy ra sạt lở ngoài phạm vi nói trên thì địa phương không thể buộc công ty khắc phục.

“Điều đáng nói, việc sạt lở đất của người dân chủ yếu nằm ngoài phạm vi đánh giá tác động môi trường nên phía công ty không chịu trách nhiệm. Trong nhiều cuộc họp chúng tôi cũng nêu ý kiến vấn đề này nhưng nhà nước đã quy định thì không thể thay đổi được”- ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, chính vì không có chế tài nên chính quyền địa phương chủ yếu đi vận động đơn vị khai thác cát hỗ trợ khắc phục, đền bù cho các hộ dân để không ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.