Giải pháp hoàn trả hơn 6.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ngành gỗ. Mang vải thiều Thanh Hà đến tay người dân Quảng Ninh. Thủ phủ chuối 'tiến vua' đối diện nguy cơ xóa sổ. Giá bưởi da xanh giảm.
GIẢI PHÁP HOÀN TRẢ HƠN 6.000 TỶ ĐỒNG CHO DOANH NGHIỆP NGÀNH GỖ
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Viforest, số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả, tính đến thời điểm 8/6 là 6,1 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, do đó, Viforest cho rằng Tổng cục Thuế nên xem xét lại việc yêu cầu truy xuất thuế đến người trồng rừng. Những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, thì cần đưa vào diện điều tra, truy tố, xử lý theo pháp luật. Với những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, đã nộp thuế thì cần ưu tiên hoàn thuế, để doanh nghiệp được quay vòng vốn. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục thuế xem xét và trả lời các hồ sơ hoàn thuế, chia ra từng giai đoạn 3 tháng, 6 tháng để giải quyết dứt điểm các bộ hồ sơ cho doanh nghiệp ngành gỗ. Nếu tình trạng hoàn thuế giá trị gia tăng còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Viforest đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng ngành gỗ, nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế giá trị gia tăng để gian lận ngân sách nhà nước.
MANG VẢI THIỀU THANH HÀ ĐẾN TAY NGƯỜI DÂN QUẢNG NINH
Chiều 11.6, tại TP Hạ Long, Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp cùng Sở NN-PTNT Quảng Ninh tổ chức buổi trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Chương trình diễn ra với mục đích tăng cường liên kết vùng thông qua hoạt động kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Đặc biệt, đưa sản phẩm vải Thanh Hà tiếp cận với khách du lịch, người tiêu dùng và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Huyện Thanh Hà có 3.265ha vải thiều (gồm cả vải sớm và chính vụ), trong số đó có 500 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Vụ vải này, huyện có 45 vùng sản xuất vải được cấp 168 mã số xuất khẩu. Đây là nông sản duy nhất của Hải Dương nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý tại thị trường các nước EU. Ngoài ra, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore…
THỦ PHỦ CHUỐI “TIẾN VUA" ĐỐI DIỆN NGUY CƠ XÓA SỔ
Theo các hộ trồng chuối ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Nghĩa, tình trạng chuối bệnh, chết hàng loạt xảy ra khoảng 3 năm trở lại đây. Bệnh lây lan và gây hại nghiêm trọng với tỷ lệ bệnh lên tới 80%. Những diện tích trồng lâu năm, bệnh gây chết cây với tỷ lệ 90 - 100%. Chính vì tình trạng trên, diện tích canh tác tại nơi được xem “thủ phủ” chuối ngự của tỉnh Quảng Ngãi suy giảm nhanh chóng, vùng chuyên canh hơn 20 hecta của xã Hành Tín Đông giờ chỉ còn vài hecta. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi đã lấy mẫu, kiểm tra và xác định cây chuối ngự chết do nhiễm nấm. Tuy nhiên bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do người trồng chuối ngự trong thời gian dài không có khâu xử lý đất, đất không tái tạo mới. Từ đó tạo ra môi trường cho nấm phát triển, dẫn đến tỷ lệ chết cây cao.
GIÁ BƯỞI DA XANH GIẢM
Sau một thời gian ở mức cao, giá bưởi da xanh tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL hiện giảm từ 2.000-5.000 đồng/kg so với cách nay gần 1 tháng. Cụ thể, bưởi da xanh loại 1 được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây với giá 25.000-28.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá 30.000 - 32.000 đồng/kg. Còn bưởi da xanh loại 1 bán lẻ tại nhiều chợ và siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ hiện ở mức 48.000-50.000 đồng/kg. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh giảm do người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn trong tiêu dùng trái cây và tiết kiệm trong chi tiêu. Bên cạnh đó, giá bưởi da xanh cũng giảm do đầu ra xuất khẩu chững lại so với những tháng trước.