Vườn vải không hạt khiến Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ấn tượng. Người Việt chi hơn 2.000 tỷ đồng mua táo New Zealand. Đề xuất ưu tiên cung ứng thịt từ nhà máy giết mổ công nghiệp. Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đề xuất kiểm dịch tại chỗ.
VƯỜN VẢI KHÔNG HẠT KHIẾN THỨ TRƯỞNG PHÙNG ĐỨC TIẾN ẤN TƯỢNG
Sáng 10/6, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã đến thăm mô hình trồng vải không hạt tại Đội 4, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Đây là giống vải được nhập khẩu từ nước ngoài, được Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn lọc, trồng thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30ha. Năm 2023 là năm đầu tiên công ty thu hoạch vải để bán ra thị trường, sản lượng ước đạt khoảng 20 tấn, với giá bán buôn khoảng 170 nghìn đồng/kg. Hiện nay vải không hạt của công ty đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và hướng tới xuất khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao mô hình trồng vải không hạt của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng mô hình trồng trọt mang lại giá trị kinh tế cao này.
NGƯỜI VIỆT CHI HƠN 2.000 TỶ ĐỒNG MUA TÁO NEW ZEALAND
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Tredene Dobson cho biết người Việt rất chuộng táo và kiwi của nước này. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu trái cây của New Zealand sang Việt Nam tăng trưởng liên tục ở mức hai con số. Năm ngoái, Việt Nam nhập trái cây của New Zealand trị giá hơn 2.600 tỷ đồng. Trong đó, táo chiếm 78% tỷ trọng với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 54,7% so với 2021. Việt Nam đang là đối tác tiêu thụ táo lớn nhất Đông Nam Á của New Zealand. Khảo sát một số công ty phân phối táo New Zealand tại Việt Nam cho thấy, 4 tháng đầu năm, người dân thắt chặt chi tiêu nhưng doanh số bán táo của các công ty vẫn tăng trưởng dương ở múc 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.
ĐỀ XUẤT ƯU TIÊN CUNG ỨNG THỊT TỪ NHÀ MÁY GIẾT MỔ CÔNG NGHIỆP
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, sau 2 tháng triển khai hoạt động, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đa số đã đảm bảo chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y với số lượng giết mổ ổn định. Tuy nhiên, các nhà máy này vẫn chưa đạt yêu cầu về công suất thiết kế nên việc cung ứng thịt nóng cho thị trường cũng giảm nhẹ. Để giải quyết tình trạng các cơ sở giết mổ công nghiệp chưa hoạt động hết công suất, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tìm thêm đối tác giết mổ gia súc công nghiệp và ưu tiên cung ứng thịt từ các nhà máy giết mổ công nghiệp. Nhiều đối tác còn có tâm lý e ngại do sợ giá giết mổ công nghiệp cao hơn giá các cơ sở giết mổ thủ công nên một số đơn vị đã chuyển kí kết hợp đồng với các cơ sở giết mổ thủ công ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh. Do đó, hiện nay các đơn vị giết mổ công nghiệp đều đang giữ giá bằng giá thủ công – khoảng 45.000 đồng/con.
HIỆP HỘI SẦU RIÊNG ĐẮK LẮK ĐỀ XUẤT KIỂM DỊCH TẠI CHỖ
Theo thông tin từ cuộc họp tổng kết những nhiệm vụ đã thực hiện cũng như triển khai nhiệm vụ mới sau 3 tháng thành lập của Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Hiệp hội đã thống nhất cùng UBND tỉnh Đắk Lắk xin ý kiến Bộ NN-PTNT thành lập trạm kiểm dịch tại địa phương để xuất khẩu trực tiếp sầu riêng từ Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc. Theo các thành viên Hiệp hội, năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp đến Đắk Lắk đầu tư, liên kết sản xuất, xuất khẩu sầu riêng. Do đó, Hiệp hội cần đẩy nhanh việc kêu gọi, mời các doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng trên địa bàn tỉnh tham gia.