Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Giải pháp phù hợp đưa ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.
Sáng 13/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức "Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới". Tham dự và chủ trì hội thảo là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên. Ngoài ra còn sự tham gia của các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức quốc tế. Thời gian qua, thị trường lúa gạo có nhiều biến động và khó đoán định do một số nước dừng xuất khẩu, các vấn đề địa chính trị, xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Để đánh giá tình hình thị trường lúa gạo từ nhiều góc nhìn khác nhau, Hội thảo có sự tham gia chia sẻ đánh giá, phân tích của các chuyên gia, diễn giả hàng đầu thế giới. Thông qua đó sẽ giúp các nhà quản lý, người dân và các doanh nghiệp có định hướng giải pháp phù hợp trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu Ông TRẦN THANH NAM – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:
Theo Tổng cục thống kê của Việt Nam, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 chiếm 74% và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.
Riêng năm 2023, tổng diện tích gieo cấy lúa ước đạt 7,1 triệu ha, năng suất trung bình ước đạt trên 6 tấn/ha (tăng khoảng 100kg/ha so với năm 2022). Sản lượng ước đạt trên 43 triệu tấn lúa (tăng khoảng 420 nghìn tấn so với năm 2022).
Riêng năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt nam. 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt nam ước đạt trên 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Nhận thức được cơ hội thị trường, Bộ NN-PTNT đã kịp thời chỉ đạo điều hành sản xuất để tận dụng cơ hội, thúc đẩy tiêu thụ thóc gạo cho người nông dân với giá có lợi, đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung bền vững, chất lượng cao phục vụ an ninh lương thực quốc gia và tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp.