Hà Lan hợp tác xây dựng chứng thư kiểm dịch thực vật trực tuyến. Ngành mía đường phục hồi. Sóc Trăng duy trì kim ngạch xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD. Khánh Hòa yêu cầu ngăn chặn nhập lậu, buôn bán trái phép tôm hùm giống.
Sáng 8/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar. Tại đây, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề nóng.
Về thực thi quy định sản xuất không gây mất rừng của EU, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định đây là vấn đề quan trọng, được Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm. Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị phía Hà Lan tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, cung cấp các giải pháp kỹ thuật, triển khai các mô hình thí điểm thích ứng với EUDR.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ tiếp tục làm việc để xây dựng chứng thư kiểm dịch thực vật trực tuyến để đáp ứng tình hình mới.
Đại sứ Hà Lan cho biết, tháng 11 tới, đoàn công tác Hà Lan sẽ sang Việt Nam làm việc và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy sản. Đại sứ khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong thực thi EUDR và các nội dung hợp tác. Bên cạnh đó, Đại sứ mong muốn phía Bộ cung cấp thông tin, hướng dẫn để sản phẩm Hà Lan đáp ứng các yêu cầu mới về kiểm dịch động vật tại Việt Nam.
Ngành mía đường phục hồi
Minh phúc khai thác
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường trong nước đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024, với sản lượng mía ép trên 11,2 triệu tấn mía, sản xuất khoảng 1,1 triệu tấn đường. So với vụ ép 2022-2023, sản lượng mía ép trong vụ này tăng 118%, sản lượng đường tăng 118%.
Bên cạnh đó, giá mua mía của nông dân liên tục được nâng lên và đạt mức khoảng 1,3 - 1,4 triệu đồng/tấn mía, năng suất đường cũng đạt mức tăng trưởng cao với mốc 6,79 tấn đường/ha, đưa ngành mía đường Việt Nam trở thành quán quân về năng suất đường trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong vụ mía ép 2023-2024, ngành mía đường trong nước đã thực hiện được mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp để có sức cạnh tranh trên thị trường…
Sóc Trăng duy trì kim ngạch xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD
Minh Phúc khai thác
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai bất lợi, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã và đang thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển xanh, sạch, hữu cơ, an toàn và bền vững. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất của nhà nông đã đem lại sản lượng, chất lượng và hiệu quả cao.
Theo kế hoạch, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh đạt 57.000ha, sản lượng đạt 233.800 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh duy trì đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, đề án sẽ xây dựng 45 mô hình nuôi tôm thí điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu 100% cơ sở nuôi, hộ nuôi đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi đối tượng nuôi chủ lực, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động triển khai văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống.
Để chấm dứt những sai phạm và tổn thất này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, nhập lậu, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam