Thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) không chỉ giúp tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển, mà còn khắc phục cảnh báo 'thẻ vàng' theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Thực hiện Hiệp định PSMA để nâng cao sức khoẻ nghề cá
Ngày 4/6/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 757 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (gọi tắt là Hiệp định PSMA) nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đến năm 2025..
Việc thực hiện Hiệp định này được xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên, phối hợp giữa các thành viên và cộng đồng quốc tế nhằm quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định phù hợp với các quy định của quốc tế và khu vực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Bên cạnh đó là việc tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Tháng 10/2017, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam...
Ủy ban Châu Âu cũng đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam thực hiện gồm: Khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; Thực thi pháp luật...Trong 5 năm qua, Việt Nam đã phối hợp tích cực với Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU...
Tuy nhiên, việc chống khai thác IUU để Việt Nam được gỡ “thẻ vàng” vẫn còn là một hành trình dài...
Theo các cơ quan chuyên môn, để chống khai thác IUU thì điều kiện quan trọng nhất đó là phải đẩy nhanh việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá. Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9/2022, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã đạt 95,27%. Tuy nhiên, dù các chủ tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng vẫn gặp những trục trặc khi vận hành trên biển. Trong đó, có những nguyên nhân khách nhưng cũng có những trường hợp cố tình tắt thiết bị. Đây là điều đang gây trở ngại cho việc giám sát tàu cá, và rất cần các
Theo đại diện chính quyền địa phương cho biết, hiện tình trạng các tàu cá cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình khi ra khơi vẫn xảy ra. Điều này đến từ nguyên nhân các chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ tính răn đe khi mà số tiền nộp phạt là rất nhỏ so với số tiền bà con ngư dân lãi được sau mỗi chuyến biển khai thác đầy khoang.
Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện việc xử lý vi phạm hành chính trong khai thác thủy sản trên biển, trong đó có vi phạm về tắt thiết bị giám sát tàu cá vẫn chưa thể thực hiện triệt để.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, hiện nay, đã có 4 địa phương hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình và Cà Mau. Còn lại 24 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành theo quy định, tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn chậm, chưa đạt theo lộ trình quy định. Đây là những vấn đề rất cần ngành chức năng các địa phương quan tâm tuyên truyền tới ngư dân, để từ đó đảm bảo các yêu cầu về khai thác thủy sản hợp pháp và bền vững theo Luật thủy sản 2017 và khuyến nghị của EC. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương đang tích cực chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và không theo quy định. Trong đó, tập trung vào xử lý các chủ tàu cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình.
Để đấu tranh với hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không hợp lệ, lực lượng chức năng tại Thanh Hoá thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá, xử lí ngiêm các trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của các địa phương, tới nay, đại đa số các ngư dân đã chủ động lắp đặt và vận hành hiệu quả các thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận chủ tàu cố tình không bật thiết bị khi khai thác, hoặc lấy thiết bị ở tàu này lắp cho tàu khác. Để xử lý vấn đề này, tạm thời các cảng cá sẽ chỉ cho phép tàu ra khơi khi kiểm tra đủ điều kiện các thiết bị giám sát theo đúng quy định.
Để sớm gỡ “thẻ vàng” EC, ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1077 phê duyệt Đề án phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Mục tiêu chủ yếu của Đề án là triển khai 1 cách đồng bộ, toàn diện các giải pháp để triển khai Luật thủy sản cũng như chống khai thác IUU. Mục tiêu đến 2025 sẽ gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu và phát triển nghề cá theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập Quốc tế. Cụ thể là đến năm 2025 sẽ kiểm soát được 100% tàu cá ra vào cảng, kiểm soát 100% sản lượng thủy sản qua các cảng biển và đánh dấu các tàu cá lắp đặt Movima 100% và quan trọng nhất là ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới là chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và duy trì bền vững cho những năm tiếp theo đấy là những mục tiêu lớn.
Kế hoạch thực hiện Hiệp định PSMA gồm: các hoạt động đồng bộ, tổng thể đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) một cách hiệu quả, thiết thực gắn với khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững và có trách nhiệm; hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân. Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng còn được xác định là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) ngày 1/12/2022 về việc ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt với mục tiêu: triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023. Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững. Đối với việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, thực hiện kết nối phần mềm hệ thống kiểm soát thủy sản khai thác nhập khẩu với cổng thông tin một cửa quốc gia. Kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài tuân thủ đầy đủ theo quy định của Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA). Đồng thời, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu Container. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện đến tháng 4/2023 và lâu dài. Theo đó, đến trước ngày 31/3/2023 sẽ hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Có thể nói, việc Ủy ban Châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu, gián tiếp tác động đến đời sống, sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Đặc biệt ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế. Do đó, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để nhanh chóng kiểm soát tốt việc khai thác của ngư dân, để những vấn đề liên quan tới IUU trong lĩnh vực thủy sản sẽ sớm được giải quyết, theo đúng yêu cầu và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu EC trong thời gian sớm nhất.