Hồ Cửa Đạt là hồ thủy lợi lớn thứ 2 cả nước và cũng là công trình đập đá đổ đầm nén bê tông bản mặt cao nhất khu vực Đông Nam Á (với chiều cao đỉnh đập 118,5m).
Hồ Cửa Đạt
Hồ Cửa Đạt là hồ thuỷ lợi lớn thứ hai cả nước trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Hồ được hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Chu, với diện tích mặt nước tại mực nước dâng bình thường khoảng 31 km2, dung tích trữ toàn bộ 1,45 tỷ m3 nước.
Đây là hồ đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á (với chiều cao đỉnh đập 118,5m).
Ngày 2/2/2004, công trình hồ chứa nước Cửa Đạt được khởi công và đưa vào vận hành khai thác năm 2010. Công trình có nhiệm vụ làm giảm lũ với tần suất 0,6%, bảo đảm mực nước tại xã Xuân Khánh (huyện Thọ Xuân) không vượt quá 13,71m.
Cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,715m3/s; tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 86.800ha đất canh tác vùng Bắc sông Chu và Nam sông Mã, kết hợp phát điện với công suất 97MW; bổ sung nước mùa kiệt, cho hạ du để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng xả khoảng 30m3/s. Các nơi được hưởng lợi từ Hồ Cửa Đạt là huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Yên Định, Thiệu Hoá, Quảng Xương, xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thuỷ) và thành phố Thanh Hoá với diện tích tự nhiên khoảng 365.182ha. Đây là vùng chính trị, kinh tế tập trung lớn nhất tỉnh với các khu công nghiệp Nghi Sơn, Mục Sơn…, các vùng sản xuất lương thực lớn như vùng hệ thống tưới bắc sông Chu, hệ thống nam sông Mã.