Tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 100% chi phí gắn mã số vùng trồng dừa cho nông dân trong tỉnh, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho công tác xuất khẩu.
Hỗ trợ 100% phí cấp mã số vùng trồng dừa, sẵn sàng cho xuất khẩu
Tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 100% chi phí gắn mã số vùng trồng dừa cho nông dân trong tỉnh, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho công tác xuất khẩu.
Hoa Kỳ đã chính thức mở cửa nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam, tạo ra một cơ hội vàng cho trái dừa nước ta hiện diện trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tại Trà Vinh, tỉnh có diện tích dừa đứng thứ 2 cả nước, nông đã áp dụng phương pháp trồng dừa hữu cơ trên diện tích lớn, ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến vào trong sản xuất để đảm bảo tạo ra sản phẩm đáp ứng những quy định chung từ thị trường nhập khẩu.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX Thành Trí: Khi cây mang trái chúng tôi chỉ bón phân phân bò, phân chuồng, hoai mục, hạn chế sử dụng phân hóa học tối đa. Nếu gặp dịch bệnh khó khăn sẻ nhờ trạm bảo vệ thực vật hỗ trợ cách làm. Hiện tại, nông dân có nhật ký canh tác để ghi chép quản lý ngày giờ, phân bón để tiện cho việc quản lý xuất khẩu trong tương lai.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, ngoài sản xuất theo quy trình chuẩn, đối với sản phẩm trái cây phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Mỹ, Úc, Trung Quốc… và nhiều nước khác. Mã số vùng trồng được hiểu là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất.
Để được cấp mã số vùng trồng đại diện vùng trồng cần điền đầy đủ thông tin vào giấy đăng ký cấp MST bao gồm địa điểm vùng trồng, diện tích, loại cây trồng, năng suất, sản lượng dự kiến, thời gian thu hoạch, tọa độ, người đại diện vùng trồng, và sơ đồ vùng trồng.
Ngoài ra, sổ nhật ký canh tác được coi là cơ sở để truy nguyên nguồn gốc nông sản, cần ghi chép đầy đủ các hoạt động sản xuất từ việc chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh vườn, thu hoạch đến bán sản phẩm. Các giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng như Vietgap, Globalgap và đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được yêu cầu.Đối với vùng trồng xuất khẩu, hồ sơ quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu cũng là một phần quan trọng.
Hiện, tỉnh Trà Vinh đã cấp MST cho 17 vùng trồng dừa trên diện tích 1.299 ha. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cấp mã vùng trồng cho tổ chức, các nhân trồng dừa trong tỉnh.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh: Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01 ngày 27/2/2023 quy định nội dung hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã số vùng trồng cho cá nhân, tổ chức. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh tối đa 100% kinh phí nhưng không quá 6.000.000đ/1 mã số vùng trồng.
Việt Nam, xếp thứ 7 về diện tích trồng dừa trên thế giới, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL, đặc biệt là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long với khoảng 130.000ha. Các địa phương đang chuẩn bị đầy đủ điều kiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu, hướng tới việc đưa trái dừa bay xa trên thị trường quốc tế.