Khấu trừ thuế VAT để thúc đẩy sản xuất phân bón trong nước. Nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 90%. Các tỉnh phía Nam mở cao điểm chống khai thác IUU. Giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển.
Khấu trừ thuế VAT để thúc đẩy sản xuất phân bón trong nước
Minh Phúc khai thác
Theo phản ánh của doanh nghiệp, Luật số 71 năm 2014 Quốc hội khóa 13 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT. Điều này dẫn đến nhiều bất cập.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn thuộc vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
Vừa qua, tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp toàn diện của ngành vật tư nông nghiệp Việt Nam” do Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng: việc không thu thuế VAT cũng dẫn đến mất nguồn thu của Nhà nước, còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất nội địa tăng giá bán để bù lỗ vào khoản chi phí do không được khấu trừ VAT.
Nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 90%
Minh Phúc khai thác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng; nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV.
Cùng với đó, ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng; xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm: Lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.
Các tỉnh phía Nam mở cao điểm chống khai thác IUU
Minh Phúc khai thác
Sau đợt kiểm tra thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC), nghề cá và hoạt động chế biến, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vẫn chưa được EC gỡ bỏ "thẻ vàng". Đồng thời, EC còn đưa ra nhiều khuyến nghị để việc quản lý đội ngũ tàu cá khai thác xa bờ chặt chẽ hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng tàu cá còn vi phạm vùng biển nước ngoài tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang. Do đó, các địa phương này cần có sự liên kết chặt chẽ trong quản lý tàu cá khai thác xa bờ, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Trong bối cảnh đó, các địa phương có biển phía Nam đã mở đợt cao điểm chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đồng thời xử nghiêm trường hợp tàu cá vi phạm về IUU trên biển.
Giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển
Minh Phúc khai thác
Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa phối hợp với Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam tổ chức “Hội thảo tham vấn Báo cáo rà soát chính sách nhằm xây dựng Kế hoạch giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển tại Việt Nam.”
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, mục đích của hội thảo lần này nhằm chia sẻ thông tin về các yêu cầu tương đương của Luật Bảo vệ thú biển của Hoa Kỳ tác động đến ngành Thủy sản Việt Nam; trình bày nội dung báo cáo rà soát chính sách nhằm xây dựng Kế hoạch giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển tại Việt Nam.