Lao động nữ chiếm 80% trong thành phần hợp tác xã. Vụ lúa thu đông ở Hậu Giang được mùa, được giá. Kon Tum hình thành vùng dược liệu bền vững. Ấn Độ xem xét hạ giá sàn xuất khẩu gạo Basmati.
LAO ĐỘNG NỮ CHIẾM 80% TRONG THÀNH PHẦN HỢP TÁC XÃ
Minh Quý - Sản xuất
Ngày 25/10, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tăng cường vai trò phụ nữ trong một số chuỗi nông sản. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cần nâng cao nhận thức cung như năng lực cạnh tranh về các khía cạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, tổng số lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 47,4%, riêng trong hợp tác xã chiếm đến 80%. Con số này cho thấy phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. lao động nữ
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, những ý tưởng sáng tạo, các sáng kiến để nêu bật các cơ hội thúc đẩy sự đóng góp của phụ nữ vào chuỗi giá trị. Từ đó xác định các biện pháp hoặc giải pháp để nâng cao vai trò và quyền lợi của phụ nữ trong ngành nông nghiệp và một số chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, cà phê và hồ tiêu.
VỤ LÚA THU ĐÔNG Ở HẬU GIANG ĐƯỢC MÙA, ĐƯỢC GIÁ
Khai thác
Dù đang gặp khó khăn trong thu hoạch do mưa bão, nước lên nhưng nông dân Hậu Giang đang rất phấn khởi với vụ lúa Thu Đông năm nay do lúa vừa có năng suất cao, vừa bán được giá. Hiện, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 27.100 ha, tăng hơn 2.600 ha so với kế hoạch. Các giống lúa được người dân sử dụng trong vụ này gồm OM 18, OM 5451, RVT và Đài Thơm 8. Tính đến thời điểm này, nông dân tại các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đã thu hoạch được gần 11.000ha.
Năng suất lúa cao hơn cùng kỳ và đang dao động ở mức từ 600 - 750kg/công. Bên cạnh đó, giá lúa vụ Thu Đông năm nay cũng được giá cao và đang ở mức từ 7.500-8.000 đồng/kg (tùy theo giống lúa và chất lượng lúa), cao hơn gần 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ.Với năng suất và giá bán cao, ước tính vụ Thu Đông này, nông dân Hậu Giang thu được nguồn lợi nhuận khoảng 30-35 triệu đồng/ha.
KON TUM HÌNH THÀNH VÙNG DƯỢC LIỆU BỀN VỮNG
Khai thác
UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha với khoảng 45 triệu cây và các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha. Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 1 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn.
Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha, trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha. Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn. Cùng với đó, hình thành mới 5 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu.
ẤN ĐỘ XEM XÉT HẠ GIÁ SÀN XUẤT KHẨU GẠO BASMATI
Khai thác
Theo Reuters, Ấn Độ dự kiến sẽ giảm giá sàn đã đặt ra cho gạo basmati xuất khẩu, sau khi những người nông dân và nhà xuất khẩu phản ánh rằng điều này gây thiệt hại cho thương mại. Một số nguồn tin cho biết, Chính phủ Ấn Độ có thể sẽ hạ giá sàn, hay giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo basmati, từ mức 1.200 USD/tấn xuống còn 950 USD/tấn. Trước đó, Ấn Độ đã áp đặt mức giá sàn đối với gạo basmati xuất khẩu trong tháng 8 để hạn chế giá trong nước trước những cuộc bầu cử quan trọng ở các bang.
Ấn Độ và Pakistan là những nước trồng gạo basmati duy nhất. Ấn Độ xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo basmati, loại ngũ cốc dài cao cấp nổi tiếng nhờ hương thơm, sang các nước như Iran, Iraq, Yemen, UAE và Mỹ.