Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh giúp nông dân tránh tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn dinh dưỡng trong rơm. Đặc biệt là giảm chi phí mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Lợi nhiều bề nhờ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh
Thưa quý vị và bà con.
Tại Thái Nguyên, rơm rạ thường được nông dân gom về làm thức ăn chăn trâu bò. Đất sau mỗi vụ lúa bị thiếu mùn hữu cơ, trong khi lâu nay gần như chỉ sử dụng phân hóa học để bón cho đồng ruộng.
Tình trạng đốt đồng cũng khiến vi sinh vật hữu ích bị tiêu diệt nên đất trồng lúa ngày càng bị thoái hóa, mất khả năng cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng chống chọi với sâu bệnh hại.
Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ và hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch trên cánh đồng lúa tại ba huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hóa.
Để hiểu rõ hơn về những lợi ích của việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh mang lại. Mời quý vị và bà con cùng đón xem phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Mô hình sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm bảo vệ, phát triển đất trồng lúa năm 2024 được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai tại 3 huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hóa với diện tích 250ha.
Để cánh đồng lúa của bà con áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật mới như: Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ. Ngay sau khi kết thúc vụ xuân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai quy trình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học.
Sau khi được tập huấn quy trình sử dụng phân bón hữu cơ và tuyên truyền, vận động hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ, 100% các hộ tham gia mô hình đăng ký mua, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ với diện tích 130ha.
Nhận được tin cán bộ khuyến nông tỉnh về xã hướng dẫn bà con xử lý rơm rạ sau thu hoạch, ngay từ sáng sớm, nông dân xã Hợp Thành, huyện Phú Lương đã ra đồng, chuẩn bị phân, máy cấy, thau trộn… để học hỏi quy trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học. Bà con nơi đây ai cũng hồ hởi mong chờ, bởi vụ xuân vừa qua nhiều diện tích lúa bị bệnh, năng suất thấp.
Là nông dân lâu năm tại xóm Quyết Tiến, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), bà Ma Thị Hằng
Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri có công dụng phân giải nhanh các chất hữu cơ như rơm, rạ, xác động, thực vật, chất thải nông nghiệp, hạt cỏ dại… thành chất mùn, chất dinh dưỡng mà cây trồng dễ hấp thu, hạn chế hiện tượng ngộ độc chất vô cơ, cây lúa không bị vàng lá, nghẹt rễ.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, ngay sau khi gặt lúa vụ xuân bà con tiến hành đưa nước vào ruộng với mực nước ngập mặt ruộng từ 5 đến 10 cm; tiến hành sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri với liều lượng 1 gói chế 125g cho 1 sào Bắc bộ 360 m2 trộn với 3–5 kg đất mầu hoặc phân bón rải đều trên ruộng.
Sau đó, sử dụng máy làm đất ghép lồng trục chạy một lượt để đảo đều chế phẩm và làm đứt gốc rạ.
Ngâm giữ nước khoảng 10 -20 ngày (nếu thời tiết nắng, nhiệt độ cao thời gian ngâm giữ nước được rút ngắn lại).
Sau thời gian ngâm rơm, rạ sẽ mục thành phân bón, đồng thời các hạt lúa rơi rớt lại, hạt lúa ma, hạt cỏ dại chưa mọc mầm sẽ bị thối hỏng, không thể nảy mầm.
Bà NGUYỄN THỊ LƯƠNG
Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên
Rơm rạ sau thu hoạch vụ xuân rất cần thời gian phân hủy nhanh để kịp sản xuất vụ mùa, dùng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ chỉ cần 5 đến 7 ngày là rơm rạ mềm nhũn, quện vào trong đất.
Nhờ đó, phân hủy chất hữu cơ, xenluno và đặc biệt là sinh chất kháng sinh để ức chế mầm bệnh.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THÔNG
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên
Thực tế cho thấy, việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh giúp nông dân tránh tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn dinh dưỡng trong rơm. Đặc biệt là giảm chi phí mua phân bón và phun thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai sâu rộng việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Qua đó, hướng đến mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng thu nhập, cũng như đa dạng sinh kế cho nông dân và các tác nhân liên quan.
DẪN CUỐI
Thời gian qua, việc sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nhanh rơm rạ, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho đất đã mang lại nhiều kết quả khả quan tại nhiều địa phương.
Thực tế cho thấy, lượng phân bón đã giảm từ 30 đến 50% so với tập quán canh tác thông thường. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm tới 30 đến 50% nếu kết hợp sạ thưa bằng máy sạ cụm.
Từ đó, mở ra hướng đi hiệu quả trong việc cải tạo đất trên những cánh đồng lúa bị thoái hóa, giúp tăng năng suất, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp.
Đến đây Thời lượng phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đã hết.
Xin hẹn gặp lại quý vị và bà con trong những chương trình tiếp theo.