Hàng chục năm qua, mô hình luân canh tôm - lúa tại Sóc Trăng được coi là hướng đi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây là mô hình sản xuất luân canh tôm – lúa theo hướng hữu cơ tại xã Gia Hoà, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trên diện tích 5ha. Với điều kiện thiên nhiên đặc thù, 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước lợ, mô hình luân canh như thế này đang phát huy hiệu quả tốt và được người dân đánh giá cao. Riêng đối với lúa người dân tham gia mô hình này có thể thu về lợi nhuận 25 triệu/ha.
Anh LÊ VĂN ĐƯƠNG
Ấp Nhân Hoà, xã Gia Hoà, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng
Khi kết hợp 1 vụ tôm, 1 vụ lúa là quá tuyệt vời. Cộng lại nữa là chúng ta từng bước sử dụng phân bón hữu cơ nên đất không bị ô nhiễm hay nhiễm hoá chất. Đặc biệt là sau khi vụ lúa xong và bắt đầu vụ tôm trên ruộng thì lúc đó ruộng không bị tàn dư hóa chất của thuốc hoá học.
Hiện, người dân tham gia mô hình tôm – lúa được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ từ đầu vào cho đến đầu ra. Nhờ vậy mà nhiều bà con trong vùng đã có nguyện vọng được tham gia. Và dự kiến, năm 2023 tới đây diện tích này sẽ phát triển lên 20ha.
Anh BÙI VĂN THẢO
Phó giám đốc kinh doanh khu vực miền Tây, Tập đoàn Quế Lâm
Phân bón, giống công ty sẽ bao tiêu toàn bộ từ đầu vào đến đầu ra, có sản phẩm sẽ thu mua cho bà con với giá cao hơn thị trường từ 10 – 15%, tính riêng tại xã Gia Hoà là thu mua cho bà con khoảng 4 tấn lúa.
Trong khoảng 20 năm qua, huyện Mỹ Xuyên xác định mô hình luân canh tôm – lúa là mô hình canh tác bền vững, góp phần cải tạo môi trường, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hoá học. Từ đó xây dựng những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông LÂM VĂN LONG
Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng
Trong bối cảnh khó khăn thích nghi với biến đổi khí hậu thì bà con dần chuyển đổi cũng như việc sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó tập huấn, cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học của ngành chuyên môn thì bà con có nhận thức, để làm sao sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cũng như các chứng nhận khác thích ứng biến đổi khí hậu để làm sao có hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, hiện diện tích xuống giống sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 8000 ha, tập trung tại khu vực 6 xã Ngọc Tố, Ngọc Đông, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, việc sản xuất luân canh tôm – lúa theo hướng hữu cơ đang đạt được hiệu quả hết sức tích cực, được bà con đánh giá cao, mở ra một mô hình canh tác bền vững trong tương lai.