Mận hậu chín sớm loại 1 Sơn La giá ngang hàng Chile nhập khẩu. Xuất khẩu cá tra sang Anh tăng đột biến. Cưỡng chế tiêm phòng vật nuôi khi cần thiết. Vùng cao Bắc Hà rộn rã vào vụ trồng dược liệu.
Mận hậu chín sớm loại 1 Sơn La giá ngang hàng Chile nhập khẩu
Ghi nhận tại TP.HCM, hiện mận hậu Sơn La chín sớm loại 1 được bán với giá 250.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với năm ngoái, đắt ngang mận Chile nhập khẩu. Mận tại nhà vườn sau khi hái xuống được giữ nguyên phấn trắng, đóng gói, giữ ở nhiệt độ mát như tại vườn và di chuyển bằng đường hàng không vào Nam ngay trong ngày.Theo các thương lái chuyên thu mua mận hậu ở Sơn La, mặt hàng này năm nay sản lượng tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Dù vậy, nguồn cung hiện vẫn không đủ cầu nên giá sản phẩm luôn ở mức cao.Ngoài ra, giá mận đắt đỏ còn do những quả mận loại 1 này được chọn nghiêm ngặt từ những nhà vườn đạt tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Số lượng khan hiếm khi trong một vườn, mận loại tuyển chỉ chiếm 10-15%.Với hàng loại 2 và 3 sẽ được các thương lái đóng thùng và gửi bằng tàu hoặc xe khách. Các sản phẩm này có giá bán tại TP HCM quanh 50.000-130.000 đồng một kg.
XUẤT KHẨU CÁ TRA SANG ANH TĂNG ĐỘT BIẾN
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hai tháng đầu năm 2023, Anh nằm trong số rất ít ỏi các thị trường có tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Trong khi Xuất khẩu sang top 10 thị trường lớn nhất đều giảm từ 18 – 50% so với cùng kỳ, riêng Anh – thị trường lớn thứ 6 của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng 22%.Cụ thể, tính tới giữa tháng 2/2023, Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt gần 7 triệu USD, chiếm 4,5% giá trị XK đi các thị trường. Riêng nửa đầu tháng 2, xuất khẩu cá tra sang Anh tăng đột biến, với mức 142% so với cùng kỳ.Theo phân tích của đại diện VASEP, lạm phát làm thay đổi xu hướng tiêu thụ thủy sản của Anh. Thay vì tiêu thụ nhiều thủy sản tươi, ướp lạnh, ngày nay người Anh gia tăng tiêu thụ thủy sản đông lạnh. Do vậy, cùng với Trung Quốc, Anh cũng là một điểm đến lạc quan cho các doanh nghiệp cá tra trong năm 2023.
CƯỠNG CHẾ TIÊM PHÒNG VẬT NUÔI KHI CẦN THIẾT
Thực hiện kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, những ngày này, các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức rà soát tổng đàn, xây dựng phương án tiêm phòng vacxin đợt 1, phấn đấu kết thúc trước 30/4.Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh và ngành chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh, tiêm phòng vacxin định kỳ là bắt buộc.Đặc biệt, tại huyện Đức Thọ, một trong những địa phương nhiều năm liền có tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin gia súc, gia cầm đạt cao, Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện chia sẻ, quá trình tiêm phòng tập trung gặp khó khăn, huyện bố trí lực lượng đến tiêm phòng tận hộ dân. Trường hợp hộ chăn nuôi không chấp hành, có thể tổ chức cưỡng chế tiêm, nhất là tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó, bởi bệnh này có nguy cơ gây hại trực tiếp đến con người.
VÙNG CAO BẮC HÀ RỘN RÃ VÀO VỤ TRỒNG DƯỢC LIỆU
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân vùng cao Bắc Hà , tỉnh Lào Cai đang khẩn trương trồng nốt diện tích cây dược liệu cát cánh niên vụ 2022 - 2023.Tại xã vùng cao Tả Văn Chư, nơi được xem là "thủ phủ" cây cát cánh của huyện Bắc Hà, vụ này, các hộ nghèo được hỗ trợ nilon trồng 40ha cát cánh. Bà con nông dân chủ động phân, giống, nilon, xã và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân yên tâm sản xuất.Đây là vụ thứ 5 liên tiếp cây cát cánh được trồng trên vùng đất rẻo cao Tả Văn Chư theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Cây dược liệu này đã khẳng định vị thế là cây giảm nghèo, làm giàu cho bà con địa phương. Kết thúc vụ thu hoạch năm 2022, cây cát cánh đã đem lại tổng nguồn thu hơn 9 tỷ đồng cho đồng bào Mông nơi đây.