Muốn xuất khẩu thủy sản sang EU, doanh nghiệp phải được Bộ NN-PTNT đăng ký. Australia hỗ trợ Việt Nam đào tạo lĩnh vực nông nghiệp. Trồng na rải vụ cho lợi nhuận hơn 250 triệu đồng/ha. Bình tuyển 100 cá thể hươu đực phục vụ nhân giống.
Muốn xuất khẩu thủy sản sang EU, doanh nghiệp phải được Bộ NN-PTNT đăng ký
Các cơ sở sơ chế, cung cấp nguyên liệu hoặc bán thành phẩm cho doanh nghiệpxuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu sẽ phải đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, đồng thời phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đăng ký trong danh sách những cơ sở được phép xuất khẩu. Đây là quy định mới được Ủy ban châu Âu đưa ra đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Liên quan đến quy định này, Bộ NN-PTNT đã giao nhiệm vụ cho Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường thẩm định, đánh gía việc tuân thủ các nội dung được quy định mới đề ra. Đồng thời, cấp mã cơ sở, sử dụng biểu mẫu và hướng dẫn thẩm định đối với các cơ sở chế biến và kho bảo quản độc lập.
Australia hỗ trợ Việt Nam đào tạo lĩnh vực nông nghiệp
Thanh Thủy sx
Từ năm 2001, Đại học An Giang nhận tài trợ của Australia cho 10 dự án nghiên cứu và hỗ trợ 41 giáo viên hoàn thành chương trình thạc sĩ, tiến sĩ, giúp thúc đẩy hoạt động giáo dục đào tạo lĩnh vực nông nghiệp.
Thăm và làm việc tại Đại học Cần Thơ, ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam, coi đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chiến lược trong mối quan hệ đối tác song phương. Mỗi dự án nông nghiệp trong 30 năm qua ở đây đều là dấu ấn cho sự hợp tác lâu dài, mật thiết, có lợi cho đôi bên.
Ngài Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cùng các thành viên Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Australia tại Việt Nam cũng thăm phòng thí nghiệm nghiên cứu lúa gạo tại trường Đại học An Giang – hoạt động thuộc dự án ‘Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại ĐBSCL’.
TRỒNG NA RẢI VỤ CHO LỢI NHUẬN HƠN 250 TRIỆU ĐỒNG/HA
QUANG LINH sản xuất
Để giúp nông dân trồng na trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện mô hình: "Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây Na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" tại xã La Hiên và xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai với tổng diện tích 3ha.
Được triển khai từ tháng 11 năm 2021 đến nay, mô hình đã cung cấp Na chất lượng cao kéo, qua đó dài thời gian cho thu hoạch, giá trị sản phẩm tăng từ 10% trở lên. Chất lượng quả to đều, mẫu mã đẹp và ngọt đậm hơn, giá bán bình quân ở các trà sớm và muộn sẽ cao hơn chính vụ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Tuy chi phí vật tư đầu vào thâm canh na rải vụ cao hơn 6 triệu đồng so với thông thường, nhưng sau khi trừ chi phí, nông dân trồng na rải vụ có thể thu lãi hơn 250 triệu đồng/ha.
BÌNH TUYỂN 100 CÁ THỂ HƯƠU ĐỰC PHỤC VỤ NHÂN GIỐNG
Thanh Nga sản xuất
Từ 155 cá thể hươu đực giống đủ điều kiện đưa vào bình tuyển, phân bố trên điạ bàn 7 xã: Sơn Lâm, Sơn Giang, Quang Diệm, Sơn Lễ, Sơn Trung, Kim Hoa và Sơn Châu thuộc huyện Hương Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã lựa chọn được 100 con hươu đực đạt tiêu chuẩn làm giống.
Đây là cơ sở để nhân rộng đàn hươu có nguồn gốc giống rõ ràng, đưa năng suất nhung mỗi năm đạt từ 1,2 kg/con trở lên. Mỗi cá thể hươu đạt tiêu chuẩn làm đực giống được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện bình tuyển hươu đực giống tại các địa phương khác nhằm sàng lọc, loại bỏ những con hươu đã thoái hóa, không đủ tiêu chuẩn làm giống, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng đàn hươu trong toàn tỉnh.