Để nâng cao chất lượng, giá trị, vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các mô hình cà phê hữu cơ.
Đây là vườn cà phê rộng 35ha của Công ty nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam tại xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. 7 năm về trước, toàn bộ 35ha này vẫn được canh tác theo cách truyền thống. Về sau, để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng cũng như người làm vườn và bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất hữu cơ. Sau nhiều năm miệt mài thực hiện các quy định, quy trình ngặt nghèo, mới đây, vườn cà phê 35ha này đã được tổ chức USDA Hoa Kỳ chứng nhận đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế.
Ông NGUYỄN THÁI NAM, người đồng sáng lập Công ty nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam
Khi làm mô hình hữu cơ này thì điều đầu tiên là trang bị kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, rồi cách chăm sóc, đổi quy trình chăm sóc truyền thống qua hữu cơ và công nghệ cao để tạo nền tảng cho thật vững chắc, cây phát triển tối ưu nhất. Để thông qua đó, người ta thấy làm hữu cơ không phải để cho cây bị suy hại, mất năng suất mà làm hữu cơ là để cây bền hơn, năng suất được tối ưu, phải vượt hơn.
Về quy trình hữu cơ thì cũng đơn giản đối với người nông dân, không quá phức tạp. Ngoài các điều kiện đánh giá về đất, nước, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì còn lại các quy trình mình chăm sóc. Nên giữ thảm cỏ, thảm thực vật, không nên tác động nhiều đến đất để giữ được hệ vi sinh tự nhiên trong đất. Khi đó nền tảng hữu cơ được chắc hơn.
Tại huyện Di Linh, không riêng gì Công ty nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam, nhiều gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã cũng xây dựng mô hình cà phê hữu cơ và đạt kết quả khả quan. Điều này mở ra cơ hội nâng tầm giá trị nông sản cho địa phương. Đặc biệt tạo dựng môi trường canh tác xanh sạch và bền vững.
Ông VŨ HỒNG LONG, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Di Linh, Lâm Đồng
Triển khai đề án nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới. Chúng tôi xây dựng kế hoạch và theo lộ trình hàng năm có tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến cáo, ngoài ra sử dụng nguồn kinh phí của các chương trình, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ gia đình cá nhân phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ đối với lĩnh vực sản xuất cà phê.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, các mô hình canh tác cà phê hữu cơ của địa phương đang có sự phát triển ổn định. Cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và duy trì năng suất từ 3 – 3,5 tấn nhân/ha. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị, hộ gia đình đã đầu tư vào công nghệ chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Do vậy, cà phê hữu cơ của địa phương có giá bán cao hơn nhiều lần so với cà phê thông thường.
Ông TRẦN VĂN TUẬN, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê tương đối lớn, hơn 172 nghìn ha với năng suất, sản lượng luôn luôn đi đầu trong cả nước. Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng tập trung đầu tư nâng cấp nhiều chương trình, đề án để phục vụ sản xuất ngành hàng cà phê ở địa phương. UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định 2666 về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong đó tập trung phát triển ngành hàng cà phê đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất nhập khẩu cũng như phục vụ nhu cầu trong nước. Cho đến nay, các mô hình đã đem lại hiệu quả tương đối tốt. Người nông dân đã tiếp cận được, biết sản xuất cà phê hữu cơ là như thế nào, ứng dụng quy trình canh tác đó như thế nào, sản phẩm vật tư đầu vào như thế nào để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng nông sản hữu cơ.
Để nhân rộng mô hình, khuyến khích người dân phát triển, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quy trình sản xuất hữu cơ trên cà phê vối, cà phê chè. Xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ để hướng dẫn cho bà con nông dân. Theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, cà phê hữu cơ mang lại gía trị cao nhưng đa phần người dân vẫn chưa mạnh dạn thực hiện. Hơn nữa, nguồn đất, nước bị ô nhiễm đang là trở ngại lớn trong kế hoạch phát triển hữu cơ của địa phương.
Ông TRẦN VĂN TUẬN, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng
Với diện tích trên 172 nghìn ha, mức độ thâm canh cà phê của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua tương đối lớn. Mức độ đầu tư về phân bón hoá học cũng như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ trên vườn cà phê tương đối là nhiều. Do đó mức độ ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, không khí trên địa bàn trên thời gian vừa qua là tương đối nặng nề. Do vậy, việc chuyển mô hình sản xuất thông thường qua sản xuất hữu cơ cần phải có thời gian chuyển đổi nhất định thì đất mới đảm bảo được các quy chuẩn hữu cơ TCVN của Việt Nam.
Trong lĩnh vực sản xuất cà phê, năm 2022 vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ, cấp chứng nhận hữu cơ cho các đơn vị với tổng diện tích trên 5ha. Hiện nay, địa phương tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình và dự kiến khoảng 10ha được cấp chứng nhận trong thời gian tới. Cùng với việc hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hành sản xuất cà phê an toàn, hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị nông sản này.