Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cà phê. Hiện nay, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt khoảng trên 175 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 162 nghìn ha với năng suất bình quân 31,9 tạ/ha, sản lượng 516 nghìn tấn.
Tuy nhiên, người trồng cà phê những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm, chi phí vật tư đầu vào tăng cao và sự thay đổi bất thường của thời tiết.
Để nâng cao giá trị cho cà phê, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã thực hiện Dự án xây dựng mô hình sản xuất cà phê hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị.
Dự án được thực hiện tại các xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP Đà Lạt). Tại xã Xuân Trường, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với 20 hộ tham gia, quy mô 20ha. Trong đó có 5ha được dự án đầu tư vật tư và 15ha ngoài dự án. Tại xã Trạm Hành cũng được xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với 20 hộ tham gia, quy mô 20ha, trong đó 5ha được dự án đầu tư vật tư và 15ha ngoài dự án.
Đối với 10ha trong phạm vi dự án, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức hỗ trợ về giống, phân bón và các loại vật tư khác. Đồng thời cử cán bộ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để đảm bảo hiệu quả.
Đến nay, các vườn cà phê chè phát triển ổn định, cây xanh tốt. Các hộ dân đã thực hiện chăm sóc, tỉa cành, làm cỏ, bón phân… cho vườn theo đúng kỹ thuật. Năng suất trung bình của mô hình sản xuất cà phê hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị đạt hơn 2,3 tấn nhân khô/ha.
Với giá bán cà phê nhân khô 90.000 đồng/kg, sẽ cho tổng thu nhập khoảng 209 triệu đồng/ha/năm. Trừ chi phi đầu tư, công lao động, nông dân đạt lãi hơn 144 triệu đồng/ha/năm. Cà phê nhân được các đơn vị như HTX Cà phê Song Vũ và HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Trường Gia Phát liên kết, thu mua với giá cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg nhân khô. Từ đó, thu nhập vườn mô hình tăng 20 triệu đồng/ha/năm so với ngoài mô hình, tăng giá trị kinh tế 16,13%.
Các mô hình dự án không những tăng giá trị ngành hàng cà phê mà còn góp phần bảo vệ môi trường khi người dân không sử dụng các loại thuốc BVTV độc hại, phân bón hóa học. Việc áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ đã làm tăng độ phì nhiêu, tơi xốp của đất, góp phần tăng năng suất cho cây trồng vụ sau và giảm sâu bệnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, thông qua các mô hình trình diễn sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị này, quy trình canh tác của người dân được cải thiện.
Phương thức canh tác lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học dần được thay đổi để tạo ra môi trường tốt hơn. Đến nay, phương thức canh tác này có sức lan tỏa, người dân sản xuất cà phê lân cận đã chủ động thực hiện theo.
Tại xã Xuân Trường và xã Trạm Hành hiện có tổng cộng 6 hộ dân đã chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng cộng 6ha cà phê. Năm 2022, mô hình cà phê này được một số xã, phường ở Thành phố Đà Lạt nghiên cứu, lên kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích.
Cùng với việc xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cũng thực hiện các lớp tập huấn kỹ thuật với hàng chục hộ nông dân tham gia. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cũng tổ chức hội nghị hỗ trợ thành lập, duy trì tổ nhóm sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ; thành lập tổ liên kết, hợp tác xã có 40 thành viên…